Mang bệnh vì ngại thăm khám
Dáng người gầy gò, khuôn mặt tái nhợt vì phải thường xuyên xạ trị, hóa trị do căn bệnh ung thư đại trực tràng giai đoạn 3, anh N.V.T. (43 tuổi, ngụ Bến Tre) cho biết, 5 năm trước anh đi đại tiện ra máu tươi, ăn uống khó tiêu, bụng lúc nào cũng căng cứng đầy hơi. Cứ nghĩ là do ăn uống nên anh mua thuốc về uống chứ không đi khám. Chịu đựng được hơn 1 năm thì anh phải đi bệnh viện vì việc đi đại tiện rất khó khăn.
Theo bác sĩ Ngô Thị Thanh Quýt, Trưởng khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Thống Nhất TPHCM, ung thư đại trực tràng có thể không gây ra các triệu chứng ngay lập tức. Trường hợp có biểu hiện sẽ gồm một trong các triệu chứng như: thay đổi thói quen đại tiện (tiêu chảy, táo bón, đại tiện ra máu…); đau quặn bụng; suy nhược và mệt mỏi; sụt cân không chủ ý. Ngoài ra, khi ung thư ở giai đoạn muộn thì người bệnh có thể sờ thấy cả khối u nổi ở dưới da bụng, vàng da, bụng to dần… Đặc biệt, ở giai đoạn sớm, ung thư đại trực tràng dễ nhầm lẫn với các bệnh lý lành tính của đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, viêm đại tràng, trĩ, táo bón... “Khi đại tiện ra máu, cần phân biệt là do trĩ thường nếu máu tươi, còn ung thư đại trực tràng thường xuất huyết dưới dạng máu lẫn với dịch nhầy”, bác sĩ Thanh Quýt cho hay.
TS-BS Ung Văn Việt, Phó Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết, ung thư đại trực tràng là ung thư phổ biến của đường tiêu hóa, việc phát hiện và điều trị khi bệnh ở giai đoạn càng sớm sẽ cho kết quả tốt trong thời gian dài. Người có tiền căn polyp tuyến, polyp răng cưa không cuống, viêm ruột, có tiền căn gia đình bị ung thư đại trực tràng, đa polyp gia đình hay polyp tuyến tiến triển là những đối tượng có nguy cơ cao. Ngoài ra, người bệnh tiểu đường hay ung thư vú cũng được xem là đối tượng dễ mắc ung thư đại trực tràng hơn người bình thường.
Tầm soát sớm và định kỳ
Theo bác sĩ Ngô Thị Thanh Quýt, tầm soát là quy trình phát hiện ung thư hoặc tiền ung thư ở những người không có triệu chứng bệnh. Việc tầm soát định kỳ có thể giúp phát hiện sớm ung thư đại trực tràng, giúp đem đến nhiều khả năng chữa khỏi bệnh. Trong nhiều trường hợp, tầm soát còn giúp ngăn ngừa ung thư đại trực tràng khi cắt bỏ một số polyp hoặc khối u trước khi chúng có nguy cơ tiến triển thành ung thư. Hiện nay, phương pháp nội soi toàn bộ đại tràng là phương pháp tầm soát ung thư đại trực tràng tốt nhất. Ngoài ra, một số phương pháp khác có thể dùng tầm soát ung thư đại trực tràng như: nội soi đại tràng ảo qua chụp CT bụng, chụp X quang đại tràng với kỹ thuật đối quang kép… “Cần tầm soát 6 tháng/lần tại cơ sở y tế uy tín để phát hiện sớm. Trường hợp nếu gia đình có người bị ung thư đại trực tràng thì người liên hệ huyết thống trực tiếp cần nội soi đại tràng tầm soát sớm hơn 10 năm so với tuổi của người thân lúc bị ung thư đại trực tràng, ngay cả khi chưa có biểu hiện triệu chứng”, bác sĩ Thanh Quýt khuyến cáo.
Theo TS-BS Ung Văn Việt, ung thư đại trực tràng có thể phòng tránh được thông qua thói quen ăn uống lành mạnh, hoạt động thể lực hay luyện tập thể dục. Việc điều trị ung thư đại trực tràng là điều trị đa mô thức bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị... Tuy nhiên, phẫu thuật vẫn là phương pháp điều trị chủ yếu và triệt căn khi bệnh còn ở giai đoạn sớm. Do đó, ngay khi được chẩn đoán ung thư đại trực tràng, người bệnh cần nhanh chóng lựa chọn cơ sở y tế có chuyên môn cao để bắt đầu quá trình điều trị. Bên cạnh việc tầm soát và điều trị sớm, quá trình chăm sóc và theo dõi sau điều trị cũng rất quan trọng, vì bệnh có thể tiếp tục tiến triển hoặc tái phát bất kỳ lúc nào.
Trong năm 2019, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tiếp nhận 950 trường hợp nhập viện vì ung thư đại trực tràng, đến năm 2020 có đến 1.020 trường hợp mắc bệnh. Còn tại Bệnh viện Thống Nhất TPHCM, năm 2019 có 1.400 trường hợp nhập viện điều trị ung thư đại trực tràng, đến năm 2020 tăng lên 1.556 trường hợp. |