Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 12-2, ông Ghebreyesus cho biết, việc đình chỉ tài trợ cho Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Mỹ về AIDS (PEPFAR) đã khiến các dịch vụ xét nghiệm, điều trị và phòng ngừa HIV tại 50 quốc gia phải dừng ngay lập tức. Ngoài ra, việc đình chỉ tài trợ và các tổ chức của Mỹ rút lui cũng ảnh hưởng đến nỗ lực xóa sổ bệnh bại liệt và ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ.
Tại Myanmar, gần 60.000 người đã không được tiếp cận với các dịch vụ cứu sống. Ông Ghebreyesus kêu gọi Mỹ tiếp tục cung cấp hỗ trợ tài chính cho WHO đến khi cơ quan này tìm được các giải pháp thay thế. Động thái rút Mỹ khỏi WHO cũng ảnh hưởng đến sự hợp tác, đặc biệt là trong việc chống lại các đợt bùng phát dịch và bệnh cúm.
Theo đó, kể từ khoảng ngày 24-1, WHO bị hạn chế thông tin về sự lây lan của virus cúm gia cầm ở gia súc tại Mỹ hoặc các trường hợp mắc bệnh ở người vì các kênh liên lạc truyền thống bị cắt đứt.
Quyết định của Mỹ sẽ có hiệu lực trong 12 tháng nữa và nếu không có gì thay đổi thì Mỹ sẽ chính thức rời WHO vào ngày 22-1-2026. Sự rời đi của Mỹ - nhà tài trợ chính phủ lớn nhất, đóng góp khoảng 18% tổng kinh phí của WHO - buộc tổ chức này đẩy nhanh việc cải tổ cũng như tìm kiếm các nguồn tài trợ mới để đáp ứng khoản ngân sách cho các chương trình cơ bản lên tới 4,9 tỷ USD.
Theo giới quan sát, cảnh báo công khai của WHO cho thấy tình hình có thể đang trở nên nghiêm trọng và cần sự chú ý của cộng đồng quốc tế, trong bối cảnh biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ xuất hiện các dịch bệnh mới nổi và làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe hiện có; đặc biệt đối với các vấn đề về sức khỏe tâm thần do áp lực cuộc sống hiện đại và hậu Covid-19 trên toàn cầu.