Cảnh báo tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân thông qua trò chơi trực tuyến

Theo Thượng tá Lê Minh Hải, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) Công an TPHCM, việc lộ, lọt dữ liệu cá nhân trên không gian mạng nói chung và trong hoạt động cung ứng dịch vụ trò chơi điện tử diễn biến phức tạp.

Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM phát biểu tại hội nghị
Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM phát biểu tại hội nghị

Ngày 6-11, Sở TT-TT TPHCM phối hợp Liên đoàn Thể thao điện tử, Hội Truyền thông điện tử TPHCM cùng các đơn vị, đoàn thể liên quan tổ chức Hội nghị “Triển khai quy định pháp luật về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng trò chơi điện tử trên mạng”.

Tại hội nghị, Thượng tá Lê Minh Hải cho biết, dữ liệu cá nhân là nguồn tài nguyên không nhỏ trong đời sống kinh tế xã hội và tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra công khai, phổ biến trên mạng. Các dữ liệu này được sử dụng vào mục đích lừa đảo trực tuyến.

IMG_7820.jpg
Thượng tá Lê Minh Hải, Phó trưởng Phòng PA05 Công an TPHCM phát biểu tại hội nghị

Theo Thượng tá Lê Minh Hải, để xảy ra tình trạng này một phần do hoạt động bảo vệ thông tin cá nhân của các tổ chức, doanh nghiệp hạn chế; tự ý cung cấp cho bên thứ 3 khi chưa có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu.

Bên cạnh đó, tình trạng lợi dụng trò chơi điện tử để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn TPHCM diễn biến phức tạp, đặc biệt là tổ chức đánh bạc, đánh bạc. Cụ thể, trên mạng có nhiều trò chơi điện tử mô phỏng các loại hình cờ bạc như “tài xỉu”, “xóc đĩa”, “bắn cá”… có hình thức đổi thưởng, đổi tiền trong game thành thẻ cào, điện thoại, xe máy, vật phẩm có giá trị… Trong 11 tháng năm 2024, Công an TPHCM đã phát hiện, triệt phá 15 vụ/46 đối tượng đánh bạc và tổ chức đánh bạc.

Trong những năm gần đây, lợi dụng các loại hình game bóng đá, đối kháng… các đối tượng đã tổ chức cá cược thông qua các giải đấu eSport (thể thao điện tử) được phát trực tuyến. Có tình trạng thông qua các ứng dụng khiêu dâm, xem phim không bản quyền, phát trực tuyến lậu các trận bóng đá… các đối tượng lồng ghép tổ chức đánh bạc và quảng cáo, hướng dẫn người xem đánh bạc, truy cập vào các trang đánh bạc.

tempImageNUtMpA.jpg
Các đại biểu trao đổi tại hội nghị

Tại hội nghị, Sở TT-TT TPHCM triển khai Kế hoạch số 861/KH-STTTT về quản lý, hướng dẫn, kiểm tra và xử lý việc thực hiện quy định pháp luật trong hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng giai đoạn 2024 - 2030 tại TPHCM.

Theo đó, sở sẽ phối hợp Công an Thành phố tăng cường kiểm soát, nhắc nhở, xử lý theo thẩm quyền đối với một số doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử trên mạng có dấu hiệu cờ bạc, đổi thưởng; quảng cáo cho phép người chơi dùng tiền ảo trong trò chơi điện tử để đổi thành các phần thưởng có giá trị.

Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM cho biết, bên cạnh những mặt tích cực của thể thao điện tử, xã hội vẫn rất lo lắng tình trạng nghiện game ở trẻ em, tình trạng lợi dụng trò chơi điện tử để đánh bạc.

Vì vậy, Sở TT-TT mong muốn các ban, ngành, các doanh nghiệp và tổ chức liên quan thực hiện nghiêm các quy định trong Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Đồng thời, cập nhật về các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

tempImage0Z8C14.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị

Bên cạnh đó, cùng phối hợp trong việc nghiên cứu các giải pháp phát triển mảng thể thao điện tử (eSport) để đưa các game giải trí lành mạnh đến người chơi phù hợp với lứa tuổi học sinh, sinh viên; đẩy lùi tệ nạn và ảnh hưởng tiêu cực của game, dần thay đổi nhận thức người dân về ngành game.

Theo Sở TT-TT TPHCM, tính đến đầu năm 2024, TPHCM có 75 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ cung cấp trò chơi điện tử G1 (trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp) trên mạng.

Có 28 doanh nghiệp đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ game G2 (trò chơi điện tử chỉ có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp), G3 (trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau nhưng không có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp), G4 (trò chơi điện tử được tải về qua mạng, không có sự tương tác) được Bộ TT-TT cấp.

Hiện TPHCM có 476 điểm kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử công cộng được Sở TT-TT TPHCM cấp giấy xác nhận đủ điều kiện hoạt động.

Tin cùng chuyên mục