Mới đây, chiều 7-5, tại xã Ea Hu (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk), 3 em nhỏ là học sinh Trường Tiểu học Phan Chu Trinh trong lúc đi câu cá đã bị chết đuối dưới ao. Đau xót hơn, cả 3 nạn nhân này là anh em ruột trong một gia đình. Trước đó, trưa 1-5, một nhóm 6 học sinh lớp 11 của Trường THPT Bù Đăng (ở tỉnh Bình Phước) rủ nhau đi tắm tại nhánh sông Đồng Nai (ở xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng), có 4 học sinh bị nước cuốn trôi tử vong…
Theo Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, riêng dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, cả nước đã có ít nhất 15 trẻ em tử vong do đuối nước. Đây thực sự là những con số đáng báo động, khiến xã hội bất an. Thống kê của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Việt Nam là nước có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất khu vực và gấp 8 lần các nước phát triển. Tử vong do đuối nước ở trẻ em nước ta đứng vị trí thứ 2 sau tai nạn giao thông. Theo Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, đuối nước đã cướp đi tính mạng hơn 2.000 trẻ em nước ta mỗi năm, trong đó nhóm 5-16 tuổi chiếm nhiều nhất. Có nhiều nguyên nhân làm gia tăng tình trạng đuối nước ở trẻ em, như: môi trường sống nhiều nơi không an toàn; trẻ ham chơi, trốn cha mẹ, thầy cô để tự ý đi bơi lội ở khu vực nước sâu nguy hiểm… Qua khảo sát của dự án Phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam, 90% phụ huynh được hỏi nhận thức vấn đề phòng chống đuối nước ở trẻ em rất quan trọng. Nhưng khi được hỏi cách thức để phòng chống, ngăn ngừa thì đa số không biết.
Trước hàng loạt vụ trẻ em tử vong do đuối nước xảy ra tại nhiều địa phương, mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính có công điện khẩn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường giải pháp bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng chống đuối nước cho trẻ. Trong đó, yêu cầu hàng đầu là các cơ quan chức năng phối hợp với nhà trường và gia đình để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ hè; hướng dẫn địa phương tổ chức học bơi, rèn luyện kỹ năng bơi và hỗ trợ, giảm giá vé, chi phí học bơi cho học sinh, trẻ em; Bộ GD-ĐT cần có chương trình phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước đến từng trường, lớp học, từng học sinh, đặc biệt trước mỗi kỳ nghỉ hè.
Để ngăn chặn những cái chết đau xót do “hà bá” gây ra với trẻ nhỏ, đòi hỏi chúng ta cần có một chương trình quốc gia về hướng dẫn kỹ năng bơi lội và xử lý tình huống trên sông nước đối với trẻ em. Đồng thời, trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương cần thiết có thêm tiêu chí phòng chống đuối nước ở trẻ em và các công trình bể bơi bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ bơi lội, vui chơi. Cùng với đó, các địa phương, cơ quan chức năng cần rà soát, lập bản đồ cảnh báo ngay các địa điểm có nguy cơ gây tai nạn đuối nước để có biện pháp phòng tránh. Về phía người lớn, nhất là các bậc phụ huynh cần quan tâm dạy trẻ các kỹ năng an toàn khi tham gia môi trường nước và nhận biết môi trường nguy hiểm.