Ngày 20-10, tại hội nghị khoa học kiểm nghiệm thực phẩm 2022 diễn ra tại Hà Nội, trao đổi với báo chí, bà Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm ATTP quốc gia cho biết, sản phẩm thực phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu rất nhiều nên để đưa ra bằng chứng chính xác thì khoa học kiểm nghiệm phải phát triển đầu tiên và nhờ đó mới có thể kiểm soát ATTP.
Hiện nay, mỗi năm, Viện Kiểm nghiệm ATTP và các đơn vị trong ngành lấy vài nghìn mẫu các chủng loại, đặc biệt là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, kiểm nghiệm. Qua đó đã ngăn chặn kịp thời một số sản phẩm thực phẩm chứa chất cấm.
Bà Hảo cũng cho rằng, gần đây, sự cố về ATTP giảm dần, chỉ có một số gian dối, sai phạm ở một số nhóm như thực phẩm chức năng. Tuy nhiên cần phải lưu ý và quản lý chặt chẽ hơn với các sản phẩm thực phẩm bán online là mối nguy cơ cao vì trong số các sản phẩm không đảm bảo chất lượng ATTP thì tỷ lệ bán online cao hơn nhiều.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ, trên thị trường hiện vẫn tồn tại các sản phẩm gian dối, kém chất lượng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng vì thế cần nhiều biện pháp để kiểm soát.
Việc kiểm nghiệm an toàn thực phẩm (ATTP) hiện tập trung chủ yếu ở trung ương. Các chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm hiện còn hạn chế cả về cơ sở vật chất lẫn trang thiết bị, nhân lực về kiểm nghiệm, chưa đáp ứng được với yêu cầu xu thế phát triển hiện nay.
Qua theo dõi cho thấy, hầu hết những kiểm nghiệm mang tính chất quyết định, kiểm nghiệm mẫu trong các vụ ngộ độc thực phẩm đều chuyển về tuyến trung ương làm.