Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo đặt tiệc nhà hàng để chiếm đoạt tài sản

Ngày 16-5, thông tin từ Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Công an Hà Tĩnh đã đưa ra khuyến cáo, đề nghị người dân và các nhà hàng kinh doanh trên địa bàn cảnh giác thủ đoạn lừa đảo qua chiêu trò đặt tiệc nhà hàng kèm theo một số yêu cầu đặc biệt.
Đối tượng giả mạo đặt bàn tiệc và rượu vang của nhà hàng. Ảnh: Công an Hà Tĩnh
Đối tượng giả mạo đặt bàn tiệc và rượu vang của nhà hàng. Ảnh: Công an Hà Tĩnh

Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Tĩnh đã xuất hiện thủ đoạn lừa đảo bằng chiêu trò đặt tiệc nhà hàng kèm theo một yêu cầu đặt các loại rượu vang ngoại nhập theo chỉ định của khách. Loại rượu vang theo yêu cầu này khá hiếm trên thị trường, nên chủ nhà hàng (nạn nhân) thường không thể tìm mua được. Do vậy, các đối tượng đã giới thiệu nạn nhân tìm đến người có bán loại rượu mà chúng yêu cầu nhưng thực sự đây là người do đồng bọn đóng vai.

Khi nhà hàng liên hệ theo số điện thoại mà đối tượng cung cấp để đặt rượu vang, thì bên cửa hàng báo có số lượng rượu vang mà nhà hàng cần và yêu cầu chuyển khoản tiền trước. Để nhà hàng rơi vào trạng thái tâm lý bị dồn ép, các đối tượng gọi điện liên tục hối thúc nhà hàng đặt rượu để kịp tiếp khách hàng quan trọng. Sau khi nhà hàng chuyển tiền đặt rượu thì các đối tượng cắt liên lạc.

Mới đây, chị N.T.A. nhân viên quản lý một nhà hàng ăn uống trên địa bàn xã Hộ Độ (Hà Tĩnh) trình báo lên cơ quan công an, ngày 23-4 chị nhận được cuộc gọi của một người xưng tên là Tiến gọi đến số Hotline của nhà hàng để đặt 5 bàn tiệc, sau đó lấy số điện thoại cá nhân liên hệ qua Zalo của chị N.T.A. để trao đổi thực đơn đặt món và yêu cầu nhà hàng chuẩn bị sẵn một loại rượu vang ngoại để tiếp khách.

Do nhà hàng không có sẵn loại rượu theo yêu cầu nên vị khách này đã giới thiệu cho chị N.T.A. số điện thoại của một người chuyên cung cấp loại rượu đó để nhờ nhà hàng chuẩn bị sẵn. Sau khi liên hệ để đặt rượu chị N.T.A. đã làm theo yêu cầu và chuyển khoản số tiền đặt rượu là 13.050.000 đồng vào tài khoản của người cung cấp rượu. Tuy nhiên, đến tối 23-4 chị N.T.A. vẫn chưa thấy rượu chuyển về và cũng không thấy anh Tiến là người đã đặt bàn tới, lúc đó mới nhận ra là đã bị lừa.

Đối tượng giả mạo đặt bàn tiệc và rượu vang của nhà hàng

Đối tượng giả mạo đặt bàn tiệc và rượu vang của nhà hàng

Tiếp đó, cơ quan công an cũng nhận được thông tin từ chủ một nhà hàng gà tươi trên địa bàn TP Hà Tĩnh về việc nhà hàng nhận được cuộc gọi từ một người xưng là giáo viên của một trường học trên địa bàn TP Hà Tĩnh gọi đến đặt bàn. Sau khi trao đổi thực đơn món ăn qua Zalo, người này đã yêu cầu nhà hàng cung cấp một loại rượu vang, theo yêu cầu loại rượu này trên địa bàn hiện không có, khi nhà hàng phản hồi lại thì người khách đặt bàn đã cho nhà hàng số điện thoại liên hệ đặt rượu.

Để tạo niềm tin, người khách đặt bàn tạo giao diện giả mạo đã chuyển khoản thành công số tiền cần để đặt rượu cho nhà hàng để yêu cầu nhà hàng chuyển qua cho số điện thoại cung cấp rượu mà người khách này đã giới thiệu. Tuy nhiên, do nghi ngờ đối tượng lừa đảo nên nhà hàng chưa thực hiện theo yêu cầu và thực tế số tiền người khách chuyển cũng không tới tài khoản của nhà hàng, đến thời gian đặt món vị khách cũng không tới.

Theo Công an tỉnh Hà Tĩnh, thủ đoạn lừa đảo này đã diễn ra từ lâu, hình thức không mới nhưng nhiều người dân vẫn bị lừa do tâm lý chủ quan, ham lợi nhuận. Vì vậy, bị các đối tượng lợi dụng bằng các thủ đoạn như: dụ dỗ nạn nhân thanh toán trước qua chuyển khoản sẽ được hưởng hoa hồng, chiết khấu cao khi lên đến 40% hoặc tạm ứng tiền rượu, sau đó khấu trừ hóa đơn thanh toán tiền tiệc... Đây là thủ đoạn lừa đảo có tổ chức, rất tinh vi, các đối tượng sử dụng sim “rác” cùng nhiều tài khoản Zalo ảo với ảnh đại diện và tên tài khoản phù hợp nên rất khó phát hiện.

Để phòng tránh những hành vi lừa đảo trên, Công an tỉnh Hà Tĩnh khuyến cáo người dân và các nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống cần nâng cao ý thức cảnh giác... Khi gặp trường hợp trên, người dân phải bình tĩnh, đến ngay cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết.

Tin cùng chuyên mục