Theo thông tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng ENSO được dự báo có khả năng sẽ chuyển sang trạng thái El Nino từ tháng 11-2018 đến những tháng đầu năm 2019. Theo đó, tổng lượng mưa từ tháng 11-2018 đến tháng 4-2019 trên cả nước phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ thiếu hụt từ 20÷50% so với trung bình nhiều năm; cảnh báo thiếu hụt lượng mưa ngay trong mùa mưa năm 2018.
Dòng chảy sông, suối ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10÷30%, Nam Trung Bộ thấp hơn trung bình nhiều năm từ 30÷60%, riêng tại các tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận có nguy cơ thiếu hụt trên 70%.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, thực tế ở các khu vực Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và một số tỉnh Bắc Trung Bộ từ đầu năm 2018 đến nay, lượng mưa đã bị thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Dung tích trữ nước các hồ chứa thủy lợi của một số tỉnh đạt thấp; một số hồ chứa thủy điện tham gia bổ sung nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng có dung tích trữ thấp, dưới 30%.
Hồ Hòa Mỹ (Thừa Thiên - Huế) với dung tích chứa 9,6 triệu m³ khô cạn
1. Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố:
a) Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
b) Chỉ đạo vận hành tích nước hồ chứa hợp lý, bảo đảm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước dân sinh, đồng thời phải bảo đảm an toàn tuyệt đối đập, hồ chứa nước.
c) Thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch phân phối nước hợp lý để bảo đảm sử dụng hiệu quả cho cả mùa khô năm 2018-2019. Khi xảy ra hạn hán, thiếu hụt nước, phải ưu tiên cung cấp đầy đủ nước cho dân sinh, chăn nuôi và cây trồng lâu năm...
d) Tổ chức xây dựng, rà soát kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn với các kịch bản về nguồn nước có khả năng xảy ra để sẵn sàng triển khai các giải pháp ứng phó phù hợp, nhất là phương án cấp nước phục vụ sản xuất Đông Xuân 2018-2019; xem xét điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thiếu nước; báo cáo về Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 30-11-2018.
d) Tăng cường tổ chức nạo vét kênh mương, cửa lấy nước để khơi thông dòng chảy, đắp đập tạm ngăn mặn, lắp đặt các trạm bơm dã chiến để chủ động vận hành, tận dụng mọi nguồn nước, tránh thất thoát, lãng phí để phục vụ tốt sản xuất, dân sinh; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn.
e) Tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn tới người dân để nâng cao ý thức trong việc sử dụng nước tiết kiệm; vận động nhân dân phối hợp với các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi tranh thủ lấy, trữ nước và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Trên cơ sở thông tin nhận định, dự báo khí tượng, thủy văn, tổ chức giám sát, dự báo xâm nhập mặn, nguồn nước; chỉ đạo xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý, thường xuyên cung cấp thông tin, kịp thời cảnh báo cho các địa phương và cơ quan liên quan để triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, điều chỉnh kế hoạch gieo trồng phù hợp với tình hình nguồn nước.
b) Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm ổn định đời sống dân sinh và hiệu quả sản xuất.
c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các địa phương thống nhất kế hoạch điều tiết các hồ chứa thủy điện trên các lưu vực sông để phục vụ thủy lợi, bảo đảm cho sản xuất và dân sinh khi hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn xảy ra.
d) Tăng cường hướng dẫn, phổ biến, kinh nghiệm tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả để các địa phương, doanh nghiệp và người dân áp dụng; hướng dẫn kỹ thuật thâm canh lúa theo hướng sử dụng tiết kiệm nước để đối phó hiệu quả với tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh trên lúa và rau màu.
e) Phối hợp với các cơ quan truyền thông thường xuyên phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng các thông tin liên quan đến tình hình nguồn nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và các chuyên đề hướng dẫn phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường:
a) Chỉ đạo tăng cường theo dõi sát diễn biến thời tiết, thông tin dự báo về tình hình khí tượng, thủy văn, đặc biệt dự báo mưa, dòng chảy sông, suối (bao gồm thời đoạn ngắn, dài, mùa), kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan và địa phương để chỉ đạo, điều hành sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện nguồn nước và triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
b) Chỉ đạo vận hành các hồ chứa thủy điện theo quy định tại quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông, ưu tiên sử dụng nước phục vụ dân sinh, sản xuất nông nghiệp trong trường hợp hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
4. Bộ Công Thương:
a) Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng phương án vận hành phát điện các nhà máy thủy điện phù hợp, bảo đảm ưu tiên nước phục vụ dân sinh sản xuất nông nghiệp để phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đặc biệt trên địa bàn các tỉnh khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên. Trường hợp cần thiết đưa một số nhà máy thủy điện ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên ra ngoài thị trường điện cạnh tranh.
b) Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện việc điều tiết nước các hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi trong trường hợp hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.