Liên quan đến vụ án “Nghịch tử giết cha”, mới đây mẹ bị cáo và là vợ nạn nhân - Nguyễn Thị Kim Ánh, đã làm đơn kháng cáo xin giảm án cho phạm nhân và cũng là con trai, Phan Minh Mẫn. Vụ án này đang được dư luận chú ý. Đặc biệt, sau khi tòa tuyên án tử hình đối với phạm nhân Phan Minh Mẫn, rất nhiều người đã lên tiếng đề nghị xem xét lại bản án vì cho rằng bản án như thế là quá nặng và kêu gọi hãy mở một con đường sống cho phạm nhân vì chưa đến mức phải loại con người này ra khỏi cuộc sống.
Theo dõi diễn biến vụ việc, những người có lương tâm không khỏi đau lòng trước một bi kịch gia đình, trong đó người cha vì say sưa bét nhè mà thiếu trách nhiệm với gia đình, thậm chí gây nên tình trạng bạo hành trong gia đình khi đánh đập mấy mẹ con thường xuyên và kéo dài trong nhiều năm, dẫn đến kết cục bi thảm này. Phan Minh Mẫn vì bức xúc trước tình cảnh cha thường xuyên đánh đập mẹ mà gây nên tội ác tày đình, giết cha bằng cách chích điện cho đến chết.
Tất nhiên, hành vi giết người, nhất là giết chính cha mình, không thể dung thứ. Nhưng nếu những gì báo chí phản ánh là chính xác thì hành động phạm tội của Phan Minh Mẫn cần được xem xét lại.
Một vị luật sư, người đang nhận lời bào chữa miễn phí cho Phan Minh Mẫn, đã bày tỏ băn khoăn trên các phương tiện thông tin đại chúng: “Người bị hại cũng có lỗi nên không thể để Mẫn chịu tất cả mọi hình phạt. Mẫn sống trong một gia đình có tình trạng bạo hành gia đình nghiêm trọng. Sự thiếu trách nhiệm của người cha đã đẩy Mẫn đến hành vi phạm tội. Liệu cấp sơ thẩm đã khai thác đầy đủ khía cạnh người bị hại trong cuộc sống gia đình hàng ngày để từ đó hiểu được động cơ phạm tội của bị cáo”.
Câu hỏi này quả là nhức nhối đối với chúng ta. Nhưng chúng ta cần phải có cái nhìn thấu đáo căn nguyên của vụ việc để từ đó cảnh tỉnh một tình trạng xã hội đang có nguy cơ lây lan, thái độ vô trách nhiệm của những bậc cha mẹ trong gia đình. Hình mẫu của gia đình Phan Minh Mẫn hiện nay không thiếu trong xã hội và thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau. Những người cha hay người mẹ buông thả, say sưa rượu chè, bài bạc, nghiện ma túy… nên chỉ tìm cách thỏa mãn cá nhân mình, quên trách nhiệm nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái.
Nhiều quán nhậu đang mọc lên như nấm sau mưa, cảnh ăn nhậu nhộn nhịp diễn ra khắp nơi. Tệ nạn nhậu nhẹt không chỉ làm tốn kém tiền bạc, đáng lý khoản tiền bạc này phải để dành lo cho con cái trong gia đình, mà còn làm lãng phí rất nhiều thời gian của xã hội, đáng lý thời gian đó phải được dành để làm ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội.
Nhiều người vợ, người mẹ hàng ngày phải mòn mỏi chờ cửa chồng con mình đêm hôm khuya khoắt mới về nhà, chân nam đá chân chiêu, nói năng lảm nhảm, thậm chí không làm chủ được bản thân mà có những hành vi phi nhân tính hoặc bạo hành người thân trong gia đình.
Rõ ràng, sự phản kháng của Phan Minh Mẫn là hậu quả của sự vô tâm từ người lớn, từ chính bậc sinh thành ra mình và cả của các tổ chức xã hội như trường, lớp học, Hội Sinh viên, Đoàn Thanh niên nơi Mẫn học tập, Hội Phụ nữ, tổ dân phố nơi gia đình bị cáo sinh sống.
Câu chuyện đau lòng của Phan Minh Mẫn khiến chúng ta thấy rằng xã hội cũng nên có trách nhiệm với những hoàn cảnh như thế này. Một gia đình đã tan nát đau lòng với cái chết của người cha, giờ thêm cái chết của người con từ bản án tử hình của tòa sơ thẩm, thì càng thêm đau lòng.
Thiết nghĩ, hình phạt của luật pháp là để trừng trị răn đe tội ác, trong trường hợp của Phan Minh Mẫn cũng đã bày tỏ sự ăn năn, hối lỗi trước tòa, do vậy cần có sự khoan hồng của luật pháp để xã hội không thêm một nỗi đau chồng lên nỗi đau
VĂN THIÊN LỘC