Cảnh báo tai nạn lao động trong xưởng gỗ

Liên tiếp thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ), cháy nổ trên địa bàn tỉnh Bình Dương gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gióng hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn lao động, nhà xưởng không đảm bảo yêu cầu phòng cháy chữa cháy (PCCC), nhất là tại các doanh nghiệp chế biến gỗ. Trong khi nhiều doanh nghiệp siết chặt an toàn sản xuất, một số doanh nghiệp vẫn còn thờ ơ, xem nhẹ.

An toàn lao động góp phần tăng doanh thu

Ghi nhận tại công ty TNHH nội thất Mê Kông (TP Tân Uyên), đang có hơn 900 lao động với rất nhiều thiết bị cắt, bào, hệ thống máy nén khí, ống dẫn từ khu vực trung tâm tới các chuyền sản xuất… Chị Diễm Quỳnh, nhân viên Phòng Nhân sự và kiểm tra HSE (sức khoẻ, an toàn lao động) của công ty, vừa dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng nhà máy vừa chia sẻ: “Toàn bộ công nhân công ty đều phải đeo khẩu trang, ở mỗi công đoạn sản xuất phải có trang bị thiết bị bảo hộ riêng, như: công nhân sơn phải có thêm gang tay, mặt nạ, công đoạn cắt được thiết kế đặc biệt để lao động không đứng quá gần và trực diện với dao cắt...”.

XHH 10A.jpg
Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Bình Dương chữa cháy tại Công ty bao bì Hợp Nhất

Chị Nguyễn Thị Tâm, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH nội thất Mê Kông, cho biết thêm: “Đối với các xưởng gỗ, các sự cố TNLĐ thường xảy ra ở bộ phận cắt. Tại công ty, trước khi bố trí nhân sự vào làm việc, chúng tôi tập huấn kỹ năng, trang bị kiến thức về an toàn lao động, sau đó mỗi thứ bảy hàng tuần, cán bộ HSE và các tổ trưởng tiếp tục triển khai đào tạo nội bộ, đảm bảo không được ai sơ sẩy trong sản xuất. Nhờ vậy, từ đầu năm 2024 đến nay chưa xảy ra TNLĐ nào, đã góp phần đáng kể vào việc đạt mục tiêu doanh thu dự kiến năm nay lên 23 triệu USD, tăng 20% so với năm 2023”.

Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cũng thường xuyên phối hợp ngành chức năng giám sát, đôn đốc các doanh nghiệp trên địa bàn đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người lao động, trong đó có an toàn sản xuất nhằm xây dựng môi trường làm việc an toàn, lành mạnh, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.

Còn nhiều nơi vi phạm

Trên địa bàn tỉnh Bình Dương, trong năm 2023 đã xảy ra hơn 900 vụ TNLĐ, làm 28 người chết và 128 người bị thương, thiệt hại vật chất hơn 8,7 tỷ đồng (năm 2022 toàn tỉnh có gần 600 vụ TNLĐ, làm 39 người chết và gần 600 người bị thương), với các yếu tố gây chấn thương chính là do máy, thiết bị cán, kẹp, cuốn, thợ vận hành máy móc và chủ yếu rơi vào các ngành chế biến đồ gỗ, hàng dệt may, da giày.

Cùng với mất an toàn lao động, các sự cố cháy, nổ do môi trường làm việc không đảm bảo các điều kiện theo quy định, từng bị cơ quan chức năng đình chỉ do vi phạm PCCC, đã gây thiệt hại lớn về tài sản cho doanh nghiệp và công ăn việc làm của người lao động. Riêng tháng 7-2024, tỉnh Bình Dương đã có ít nhất 2 vụ cháy, nổ tại các công ty sản xuất, chế biến đồ gỗ, đặc biệt đây là các cơ sở đã bị đình chỉ vì vi phạm PCCC. Mới nhất là vụ cháy tại Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại Cát Đạt (KCN Rạch Bắp, TP Bến Cát), thiêu rụi 1.500m2 nhà xưởng, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng, dù vào cuối tháng 3-2024, Cảnh sát PCCC Công an tỉnh đã đình chỉ hoạt động đối với doanh nghiệp này.

Theo Trung tá Nguyễn Văn Tùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH, Công an tỉnh Bình Dương, với đặc thù địa phương có nhiều cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm gỗ, phần lớn nhà xưởng đã xây dựng từ lâu, xuống cấp, rủi ro TNLĐ, cháy nổ luôn thường trực nên lực lượng chức năng thường xuyên khuyến cáo với nhiều hình thức đến chủ cơ sở và người lao động để chủ động phòng chống cháy nổ, TNLĐ. Để tăng cường an toàn lao động và PCCC, chủ cơ sở cần chủ động đầu tư hệ thống nhà xưởng, máy móc đảm bảo nhu cầu sản xuất và quy định liên quan; có kế hoạch tập huấn an toàn lao động, kiến thức PCCC cho công nhân, góp phần đảm bảo an toàn trong sản xuất kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục