Vì muốn có làn da căng mịn, trắng đẹp để về quê đón tết nên chị N.T.T. H., (40 tuổi, đang làm việc tại quận 5) nghe lời người quen mua một lọ mỹ phẩm thảo dược thiên nhiên trên mạng với lời quảng cáo “Hiệu quả làm đẹp “miễn chê”, sử dụng nguyên liệu thảo dược thiên nhiên nên an toàn cho làn da…” để bôi lên mặt. Sau 3 ngày sử dụng mặt chị H., bị sưng nề, đỏ rát kèm ngứa.
Chị H., liên hệ lại người bán thì được tư vấn là do mỹ phẩm “đang phát huy tác dụng” nên chị H tiếp tục sử dụng và hơn 1 tuần sau mặt chị sưng nề, xuất hiện nhiều nốt sần đỏ, ngứa, rát rất khó chịu. Quá hoảng sợ chị H vội đến Bệnh viện Da liễu TPHCM cầu cứu bác sĩ.
Cách đó ít ngày, Bệnh viện cũng tiếp nhận bệnh nhân nữ N.N.T (18 tuổi) ngụ tại Đồng Nai được mẹ đưa đến khám trong tình trạng da mặt nứt nẻ, bong tróc, đỏ rát kèm xuất hiện nhiều mụn. T., cho biết có mua một loại mỹ phẩm làm sáng da ở trên mạng, sau khi sử dụng da mặt bị rát, ngứa và bong da. Dù được bác sĩ chẩn đoán là “viêm da, bỏng da do tiếp xúc với mỹ phẩm” nhưng T., vẫn khăng khăng với mẹ đó là các dấu hiệu bình thường của việc sử dụng loại mỹ phẩm này.
Theo bác sĩ Nguyễn Duy Quân, Khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân muốn có làn da trắng sáng nên nghe lời quảng cáo, sử dụng các loại mỹ phẩm trắng da cấp tốc. Hậu quả làn da bị phát ban, nổi mụn, rạn da…phải nhờ bác sĩ can thiệp để kịp đón Tết.
Hầu hết các loại mỹ phẩm mà bệnh nhân sử dụng thường không nêu rõ thành phần, nguồn gốc. Điểm chung của các loại mỹ phẩm này là thường chứa corticosteroid, hydroquinon, thủy ngân… Đây là những chất không an toàn, khi bôi lên da gây biểu hiện trắng nhanh, chính vì vậy được các chị em rất ưa thích. Tuy nhiên việc sử dụng lâu dài các sản phẩm này sẽ làm da trở nên mỏng đi, các mạch máu giãn, da nhạy cảm, bong tróc và nặng hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng, để lại sẹo hoặc tình trạng rối loạn sắc tố da khó hồi phục.
Những biến chứng này điều trị rất khó khăn, kéo dài, và đôi khi phải áp dụng nhiều phương tiện kĩ thuật hiện đại mới có thể khôi phục lại tình trạng da như ban đầu cho bệnh nhân. Ngoài ra, có những trường hợp, bệnh nhân đã ngưng sử dụng nhưng những tổn thương da vẫn tiếp diễn. Thậm chí, nguy hiểm hơn là có hiện tượng “lệ thuộc” mỹ phẩm. Nghĩa là khi người sử dụng đã ngưng sử dụng các loại mỹ phẩm này thì da sẽ trở nên ngứa, đỏ, nổi mụn, sắc tố sậm màu hơn.
“Tình trạng này buộc bệnh nhân phải sử dụng liên tục mỹ phẩm, từ đó mới dẫn đến những tác dụng phụ không mong muốn. Việc “cai nghiện” cho những trường hợp như vậy cũng hết sức khó khăn, cần nhiều thời gian, phối hợp các loại thuốc cũng như sử dụng công nghệ thích hợp.” bác sĩ Quân nhấn mạnh.