Theo Công an TP Hà Nội, "mồi nhử" mà các đối tượng đưa ra rất hấp dẫn như việc nhẹ, lương cao, được trả ngay theo ngày, với mỗi một đơn hàng sẽ được hưởng chênh lệch 10 đến 20%.
Khi thanh toán các đơn hàng đầu có giá trị nhỏ, nạn nhân sẽ được hưởng hoa hồng, đến đơn hàng có giá trị cao, các đối tượng sẽ chiếm đoạt số tiền.
Giao diện trang Tiki giả (trái) và trang Tiki thật (phải).
Cơ quan công an cho rằng, nhiều người, nhất là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, sinh viên, hiện ở nhà không có việc làm, có nhu cầu bán hàng online để kiếm thêm thu nhập đã sập bẫy của các đối tượng.
Tại Hà Nội, vừa qua, Công an quận Long Biên điều tra, xác minh vụ lừa đảo chiếm đoạt 1,2 tỷ đồng với thủ đoạn trên.
Theo đơn trình báo, ngày 1-7, chị T. (sinh năm 1983, trú tại quận Long Biên) có lên mạng xã hội Facebook để tìm kiếm việc làm tại nhà.
Khi thấy quảng cáo tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng online trên Facebook chị T. đã tham gia. Khi làm nhiệm vụ thanh toán 4 đơn hàng đầu thì chị T. nhận được số tiền 900.000 đồng.
Từ nhiệm vụ lần thứ 5 đến lần thứ 10, chị T. đã chuyển 1,2 tỷ đồng nhưng không nhận được tiền. Biết mình bị lừa, chị T đã đến Công an phường Bồ Đề (quận Long Biên) trình báo.
Để chủ động phòng ngừa tội phạm, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.
Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác.
Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.