Ngày 13-11, tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường (14-11) tổ chức tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, TS Phan Hoàng Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cảnh báo, số người mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) đang gia tăng rất nhanh.
Thống kê của Liên đoàn ĐTĐ thế giới (IDF) năm 2021, toàn cầu ước tính có 537 triệu người trưởng thành bị mắc ĐTĐ và dự đoán sẽ tăng lên 643 triệu vào năm 2030 và 784 triệu vào năm 2045.
Tại Việt Nam hiện có khoảng 3,8 triệu người phải sống chung với bệnh ĐTĐ và hầu hết là ĐTĐ type 2. Trên thế giới, ĐTĐ chính là nguyên nhân gây ra 6,7 triệu ca tử vong vào năm 2021, trung bình cứ 5 giây lại có 1 ca tử vong. Trong 15 năm qua, căn bệnh này tiêu tốn của thế giới 966 tỷ USD chi phí cho y tế, tăng 316% so với trước đây.
Đáng lo ngại, hiện nay, nhiều người mắc bệnh mà không biết và chỉ phát hiện ra bệnh khi đã có các biến chứng như: giảm thị lực, mù lòa, suy thận, cắt cụt chi, cao huyết áp, tai biến mạch máu não… nên bệnh ĐTĐ được coi là "kẻ giết người thầm lặng".
Hơn nữa, số người mắc ĐTĐ ngày càng trẻ hóa khi nhiều người ở độ tuổi 25-40 tuổi đã mắc ĐTĐ mà không biết. Nhiều trường hợp phát hiện qua khám bệnh định kỳ hoặc xuất hiện các dấu hiệu bất thường về sức khoẻ.
Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 có nhiều trường hợp nhập viện với biến chứng nặng do người bệnh không đi khám, điều trị kịp thời trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội và không tuân thủ phác đồ điều trị của thầy thuốc.