Cảnh báo nguy cơ sạt lở trên các tuyến quốc lộ huyết mạch

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai phương án, giải pháp phòng ngừa sạt lở đất, lũ quét trên địa bàn tỉnh trong mùa mưa 2024.

Tỉnh Lâm Đồng giao Sở GTVT, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan trực thuộc, đơn vị quản lý đường bộ tăng cường kiểm tra các tuyến đường xung yếu, các cầu yếu, các đoạn đường đèo, khu vực taluy cao... tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt trượt cao (nhất là các tuyến đường huyết mạch, quan trọng trên địa bàn tỉnh như: đèo Bảo Lộc, đèo Prenn, đèo Mimosa, Quốc lộ 27, 27C, 28, 28B; các tỉnh lộ và các trục đường huyện) để kịp thời cảnh báo, thông tin đến người dân, du khách chủ động phòng tránh, lựa chọn hướng di chuyển phù hợp.

805b6cd322778029d966.jpg
Lực lượng chức năng cùng người dân khắc phục hậu quả vụ sạt lở cạnh Quốc lộ 27, xã Đạ K'Nàng, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng sáng 15-7

Tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ đạo các địa phương tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chịu trách nhiệm trước Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh đối với kết quả thực hiện công tác chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý.

f64224866b22c97c9033.jpg
Tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo tăng cường kiểm tra các tuyến đường xung yếu, các cầu yếu, các đoạn đường đèo, khu vực taluy cao... tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt trượt cao

Liên quan đến tình hình mưa lớn trên địa bàn, những ngày qua nhiều khu vực thuộc tỉnh Lâm Đồng xuất hiện mưa lớn. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, Lâm Đồng là một trong 10 địa phương có nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại TP Đà Lạt, Bảo Lộc, các huyện Bảo Lâm, Cát Tiên, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Đam Rông, Di Linh, Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, Lâm Hà.

Như Báo SGGP thông tin, khoảng 4 giờ ngày 15-7 trên địa bàn thôn Trung Tâm, xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng xảy ra vụ sạt lở đất làm 1 người tử vong.

Tại Bình Thuận, sau khi 2 tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Vĩnh Hảo - Phan Thiết thông xe, lượng xe lưu thông trên Quốc lộ 28B lên TP Đà Lạt và các địa phương tỉnh Lâm Đồng và chiều ngược lại tăng mạnh. Tuy nhiên, hiện tuyến đường này đang nâng cấp, cải tạo nên tài xế cần hết sức chú ý khi di chuyển, nhất là thời điểm trời mưa.

Đất tràn xuống đường gặp trời mưa khiến các phương tiện lưu thông trên tuyến Quốc lộ 28B gặp khó khăn, nguy hiểm. Ảnh NGUYỄN TIẾN.jpg
Đất tràn xuống đường gặp trời mưa khiến các phương tiện lưu thông trên tuyến Quốc lộ 28B gặp khó khăn, nguy hiểm. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Những ngày giữa tháng 7, ghi nhận của PV Báo SGGP, lượng xe từ các tỉnh thành phía Nam di chuyển qua Quốc lộ 28B để lên Đà Lạt rất lớn. Trong khi đó, 2 bên tuyến quốc lộ, đơn vị thi công đang san ủi giải phóng mặt bằng khiến đất đá tràn lên mặt đường khá nhiều. Do hiện tại đang vào mùa mưa, đất đỏ bị kết dính khiến nhiều phương tiện dễ bị trơn trợt, việc di chuyển gặp rất nhiều khó khăn. Tại khu vực đèo Đại Ninh (qua tỉnh Bình Thuận), vào thời điểm trời có mưa, hàng loạt phương tiện nối đuôi nhau di chuyển ì ạch.

Đơn vị thi công dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 28B không che chắn khiến nguy cơ mất an toàn. Ảnh NGUYỄN TIẾN.jpg
Đơn vị thi công dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 28B không che chắn khiến nguy cơ mất an toàn giao thông. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Nhiều tài xế điều khiển phương tiện qua tuyến Quốc lộ 28B phản ánh, đơn vị thi công san ủi không làm hàng rào chắn khiến đất, đá tràn xuống đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Người dân địa phương cũng cho biết, khu vực đèo Đại Ninh trên Quốc lộ 28B thường xuyên xảy ra sạt lở, nhất là vào mùa mưa. Lái xe khi di chuyển cần thận trọng.

Để đảm bảo an toàn, nhiều người sau khi rời TP Đà Lạt họ đã không chọn quay lại Quốc lộ 28B để về nhà, mà chọn di chuyển qua Quốc lộ 28B (từ thị trấn Di Linh, tỉnh Lâm Đồng rẽ xuống). Nếu chọn di chuyển theo đường này, tài xế khi đến nút giao Ma Lâm (huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) sẽ nhập làn vào đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết rồi di chuyển về TPHCM và các tỉnh thành phía Nam.

Theo Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, để đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông qua Quốc lộ 28B đang nâng cấp, cải tạo, đơn vị thi công đã đặt biển cảnh báo tại 2 đầu quốc lộ. Tuy nhiên, các tài xế cho rằng, ngoài việc đặt biển cảnh báo, đơn vị thi công cần có giải pháp như lắp hàng rào chắn đất đá tràn xuống đường, các xe chở đất đá phải được che chắn...

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư năm 2023, với chiều dài khoảng 68km (trong đó có 51km qua tỉnh Bình Thuận), tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng, do Cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án 5 tổ chức quản lý dự án.

Hiện nay, Cục Đường bộ Việt Nam đã phê duyệt nhà thầu thi công gói thầu XD02 (thi công xây dựng đoạn Km42+00 – Km69+00) là Liên danh Xây dựng Số 1 – Xây dựng 886 Thành Nam – Trung Trung bộ – 134 Việt Nam – 379 Việt Nam – Anh Tuấn; riêng gói thầu XD01 (thi công xây dựng đoạn Km0+00 – Km42+00) đang thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu xây lắp, dự kiến hoàn thành trong tháng 7-2024.

Dự án khi hoàn thành sẽ đóng vai trò là đường "xương cá" trong hệ thống giao thông, kết nối tỉnh Lâm Đồng với các địa phương lân cận như Bình Thuận, Đắk Nông và khu vực Tây Nguyên, thậm chí cả TPHCM và ngược lại.

Tại Đắk Nông, ngày 15-7, ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Đắk Nông cho biết, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên từ ngày 13-7, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to. Dự báo trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến từ 20 - 40mm, có nơi trên 50mm...

Mưa lớn có khả năng gây ra lũ quét, sạt lở đất, sụt lún và ngập úng các vùng trũng thấp, khu vực có địa chất yếu kém. Do đó, các cấp, ngành, đoàn thể, người dân cần có những biện pháp thích hợp để giảm bớt ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan đến đời sống, sinh hoạt, lao động, sản xuất.

Cùng ngày, Đài Khí tượng Thủy văn Kon Tum đã phát thông tin dự báo mưa lớn trên địa bàn. Theo đó, từ ngày 15 đến ngày 17-7, dự báo trên địa bàn tỉnh Kon Tum có mưa vừa, mưa to và dông xảy ra cục bộ tại khu vực các huyện Đăk Hà, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Ia H’Drai, Sa Thầy, Kon Rẫy và TP Kon Tum. Mưa lớn có khả năng gây ngập úng ở vùng trũng thấp, lũ quét ở các suối nhỏ, sạt lở đất ảnh hưởng đến tính mạng, đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân…

Tin cùng chuyên mục