Ưu tiên toàn cầu
Tuyên bố được đăng tải trên trang web của Trung tâm an toàn AI, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ. Trung tâm này cho biết, tuyên bố ngắn gọn nhằm mở ra một cuộc thảo luận về sự nguy hiểm của công nghệ. Nhiều chuyên gia công nghệ, trong đó có Sam Altman - Giám đốc điều hành công ty OpenAI (Mỹ), nhà phát triển chatbot ChatGPT, cho rằng việc giải quyết những rủi ro do AI gây ra phải là “một ưu tiên toàn cầu bên cạnh các rủi ro quy mô xã hội khác như đại dịch và chiến tranh hạt nhân”.
Ra mắt vào tháng 11-2022, ChatGPT nhanh chóng gây ra cơn sốt đầu tư vào lĩnh vực này, song giới chuyên gia trong ngành đã phải lên tiếng cảnh báo về rủi ro do AI gây ra. Mối quan ngại chung nhất là khả năng các chatbot có thể tràn ngập các trang web với thông tin sai lệch. Các thuật toán sai lệch sẽ tạo ra các tài liệu phân biệt chủng tộc hoặc tự động hóa ứng dụng AI gây ảnh hưởng đến toàn bộ ngành này.
Trong một tuyên bố trước đó, một số bên tham gia, trong đó có có Geoffrey Hinton - người tiên phong trong lĩnh vực AI, đã bày tỏ lo ngại sự gia tăng của cái gọi là trí tuệ nhân tạo tổng quát (artificial general intelligence - AGI) - một khái niệm được định nghĩa chung chung ở thời điểm mà máy móc có khả năng thực hiện được các chức năng trên phạm vi rộng và có thể phát triển chương trình của riêng chúng. Theo đó, con người sẽ không còn kiểm soát được những cỗ máy siêu thông minh, điều mà giới chuyên gia cảnh báo có thể gây ra những hậu quả thảm khốc đối với các loài và hành tinh.
Ngăn chặn từ sớm
Cùng lúc, kết quả thăm dò ý kiến công chúng do hãng thông tấn Reuters kết hợp với công ty nghiên cứu thị trường Ipsos tiến hành tại Mỹ cũng cho thấy hơn 2/3 người Mỹ bày tỏ lo ngại về những tác động tiêu cực của AI, trong khi đó 61% tin rằng AI có thể đe dọa nền văn minh của loài người. Ngay cả ông Geoffrey Hinton cũng lên tiếng cảnh báo: “Các mô hình máy tính mà chúng ta có hiện nay có thể đã thực sự mạnh hơn não người. Nếu vậy, có thể rất sớm thôi máy móc sẽ mạnh hơn chúng ta”.
Các nhà nghiên cứu AI khác cho rằng, cần ngăn chặn các mối đe dọa hiện hữu từ AI ngay bây giờ, bởi AI mới đang được ứng dụng ở cấp độ thấp, nhằm đẩy lùi nguy cơ lớn hơn trong tương lai. Tại Sydney, các công ty ở Australia bắt đầu cấm sử dụng AI tạo sinh tại nơi làm việc. Samsung cũng đã cấm hoàn toàn việc sử dụng AI tạo sinh tại tập đoàn này. Giáo sư về AI Toby Walsh tại Đại học New South Wales cho biết, hiện giờ số lượng người dùng ChatGPT vọt tới 1 tỷ người. Tốc độ tăng trưởng đó đồng nghĩa với việc có thể sớm xảy ra tình trạng xâm phạm dữ liệu. Các quan chức chính phủ của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) hôm 30-5 đã nhất trí phát triển những tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo công nghệ đáng tin cậy.