Rừng dừa nước Cà Ninh (xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) rộng hơn 70ha sắp tới đây sẽ phải chặt hạ 50ha để làm bể chứa nước cho Nhà máy Bột - Giấy VNT19. Đánh dấu cho sự kéo giảm diện tích rừng ngập mặn gần như cuối cùng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, việc làm này tác động tới hệ sinh thái, đa dạng sinh học.
Rừng dừa nước Cà Ninh sắp bị chặt hạ
Chặt rừng trăm tuổi để thay bằng... rừng vài tuổi!
Dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19 bắt đầu xây dựng từ năm 2012 trên địa bàn xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Để phục vụ nước cho nhà máy và các dự án khác trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất, Công ty cổ phần Môi trường nước Quảng Ngãi dự kiến sẽ xây dựng hồ chứa nước Thái Cân dung tích 1,5 triệu m3 và bể sơ lắng dung tích 50.000m3, mức đầu tư hơn 487 tỷ đồng, dự kiến xây dựng trong năm 2017 và đưa vào sử dụng tháng 9-2018. Đồng thời, tiến hành cải tạo và nâng cấp kênh B7 lấy nước từ đập Thạch Nham dẫn vào hồ chứa nước.
Trong thiết kế xây dựng, phải thu hồi 50ha rừng dừa nước Cà Ninh để làm hồ chứa nước. Ông Nguyễn Thế Nhân, Chủ tịch UBND xã Bình Phước, cho biết: “Rừng dừa nước là nguồn sinh kế của nhiều người dân, trước kia họ dùng lá dừa lợp nhà, làm chà thả cá đi biển, thậm chí xuất bán dừa nước đi xứ khác. Tuy nhiên, đến nay rừng dừa nước không còn phát huy hiệu quả kinh tế như trước và rừng dừa Cà Ninh trở thành “lựa chọn” để xây dựng hồ chứa nước cho Nhà máy Bột - Giấy”.
Bà Trần Thị Hạ Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Khi xác định điểm này để phục vụ công nghiệp, cung cấp điều kiện cho sự phát triển quy hoạch cả Khu kinh tế Dung Quất, để đảm bảo phát triển phải bù lại diện tích rừng bằng trồng rừng thay thế. Tuy nhiên, do Công ty cổ phần Môi trường nước không tìm ra được vị trí trồng rừng thay thế, theo quy định ngành nông nghiệp, UBND tỉnh Quảng Ngãi đồng ý cho công ty thực hiện trồng rừng bằng hình thức nộp tiền. Các Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường đã xác định đơn giá 1ha để trồng rừng thay thế, rà soát các diện tích đất trống trên địa bàn huyện Bình Sơn để tiến hành trồng rừng”. Ông Trần Kim Ngọc, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi, cho biết đơn vị đã rà soát trên địa bàn huyện Bình Sơn, dự kiến 2 địa điểm là Bàu Cá Cái (xã Bình Thuận) và khu vực núi Nam Châm (thuộc khu Nhà máy lọc dầu Dung Quất) với diện tích trồng rừng thay thế 50ha.
“Thay thế chỉ là sự tồn tại, không tính đến cân bằng sinh thái”
Thạc sĩ Phan Thông, Khoa Sư phạm Tự nhiên, Trường Đại học Phạm Văn Đồng ( tỉnh Quảng Ngãi), nhận định: “Thay thế chỉ là sự tồn tại, không tính đến cân bằng sinh thái”. Theo ông, hệ sinh thái rừng ngập mặn nói chung và rừng dừa nước nói riêng vốn có từ lâu đời, sinh sôi tại các vùng nước lợ, có vai trò quan trọng với môi trường, tạo sự đa dạng sinh học - nơi trú ngụ các loại hải sản, ngoài ra còn hạn chế chống xói mòn đất, làm cho khu vực xung quanh phát triển bền vững. “Trong môi trường rừng ngập mặn này, các sinh vật và mối quan hệ đã trải qua hàng trăm năm để tạo thành cảnh quan tự nhiên. Do vậy, cần phải nghiên cứu tác động thảm thực vật nói chung và của huyện Bình Sơn nói riêng để đảm bảo hệ sinh thái tự nhiên. Việc trồng rừng thay thế chỉ là một sự tồn tại, không tính đến cân bằng sinh thái. Những khu vực rừng đã có trước đây vốn tồn tại các mối quan hệ, phá chỗ này trồng chỗ khác tức là phá tính cân bằng vốn có. Người ta có thể trồng rừng thay thế nhưng không thể mặc nhiên xem đó là cảnh quan tự nhiên, mà là sự biến đổi”.
Cũng theo Thạc sĩ Phan Thông, tỉnh Quảng Ngãi có đường bờ biển 130km, trước đây có đến 180.000ha rừng ngập mặn ven biển, nay chỉ còn gần 200ha. Các diện tích rừng dừa nước lớn hầu như không còn. Người ta phải phục hồi bằng các biện pháp như trồng mới, bảo vệ ngăn chặn xâm phá rừng, chẳng hạn như rừng Nà (xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) diện tích 350.000m2 được giữ gìn bảo vệ như tiểu khí hậu…, đồng thời người dân trong khu vực được hưởng lợi từ rừng. “50ha dừa nước Cà Ninh nếu phá bỏ thì đó là phá bỏ những diện tích gần như cuối cùng. Để hình thành một khu rừng là cả một thời gian dài, do vậy, cần xem xét để bảo vệ những giá trị cho hôm nay và mai sau”, Thạc sĩ Phan Thông nói.