Cụ thể, các đối tượng này lập nên các trang web tương tự với trang web của ngân hàng, gửi thư điện tử gắn với tên thương hiệu ngân hàng, gọi điện thoại, gửi tin nhắn, email tự xưng là nhân viên ngân hàng để tiếp thị và hướng dẫn khách hàng thực hiện các bước để được nhận thẻ tín dụng. Sau đó, thông báo khách hàng được duyệt mở thẻ tín dụng với hạn mức cao, miễn phí lãi suất trong 3 năm, chuyển 1 thẻ nhựa bằng đường bưu điện đến nhà và yêu cầu người nhận trả phí phát hành thẻ từ 300.000 - 400.000 đồng để nhận thẻ sử dụng. Thẻ tín dụng giả thường được làm bằng tấm nhựa thường, thông tin sơ sài, kém thẩm mỹ, có các thông tin cố tình bắt chước logo, mẫu mã của các tổ chức thẻ tín dụng quốc tế và ngân hàng mà tội phạm giả mạo. Sau khi nhận tiền, các số điện thoại đã liên hệ với khách hàng đều mất tín hiệu và đương nhiên khách hàng cũng không thể sử dụng thẻ giả này.
Để nâng cao cảnh giác, tránh mất tiền trước các thủ đoạn tinh vi của các đối tượng lừa đảo, mới đây SCB, OCB... đã khuyến cáo các cá nhân, tổ chức cảnh giác với điện thoại, tin nhắn, email xưng danh nhân viên của các ngân hàng này để tiếp thị, hướng dẫn mở thẻ tín dụng không rõ ràng và yêu cầu phải chuyển khoản, thu phí mở thẻ, vay vốn. Các ngân hàng cho biết, việc mở thẻ tín dụng được thực hiện đầy đủ quy trình, hoàn toàn không yêu cầu khách hàng nạp tiền, chuyển khoản hay thu phí hồ sơ mở thẻ tín dụng. Đồng thời, cảnh báo khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cho người lạ để tránh bị kẻ gian lấy cắp thông tin cá nhân và sử dụng trái phép; không truy cập và thực hiện giao dịch tín dụng trên đường dẫn, trang web lạ nhận được qua điện thoại, tin nhắn, email; tuyệt đối không nạp tiền, chuyển tiền để mở thẻ tín dụng, vay vốn ngân hàng hoặc có dấu hiệu nghi ngờ khác. Các ngân hàng cũng khẳng định, không thực hiện nhận hồ sơ mở thẻ tín dụng qua các trang mạng, ứng dụng xã hội (Facebook, Zalo…) hoặc qua bất cứ trung gian nào.