Lợi trước mắt, hại lâu dài
Mới đây, Bệnh viện (BV) Nhi đồng Thành phố đã phẫu thuật thành công cho bé gái tên N.T.N.Y. (10 tháng tuổi, ngụ tỉnh An Giang) bị kháng kháng sinh gây thủng thực quản, tràn màng phổi, nhiễm trùng huyết và nhiễm nấm huyết nặng. Bé nhập viện trong tình trạng sốt cao hơn 7 ngày, ho cơn.
Trước đó, bé từng điều trị kháng sinh tại địa phương suốt 10 ngày nhưng không thuyên giảm. Tại BV Nhi đồng Thành phố, các bác sĩ tiến hành xét nghiệm, siêu âm ngực và chụp CT ngực cho thấy khoang màng phổi có lớp dịch dày 14mm, dịch dẫn lưu chọc hút xét nghiệm lợn cợn mủ và nhầy trắng đục, kết quả nuôi cấy dịch màng phổi xét nghiệm đều ra dương tính với 2 loại siêu vi khuẩn Acinetobacter baumanii và Klebsiella Pneumoniae. Đây là 2 vi khuẩn đa kháng, kháng tất cả các đĩa kháng sinh nuôi cấy.
Theo Th.S Tạ Huy Cần, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực BV Nhi đồng Thành phố, vi khuẩn đa kháng thuốc Acinetobacter baumanii và Klebsiella Pneumoniae là các loại vi khuẩn nguy hiểm, có khả năng gây bội nhiễm ở phổi, máu và nhiều cơ quan nội tạng khác, việc điều trị hết sức khó khăn. Vi khuẩn này có thể sinh sống trên da người và một số nơi trong môi trường ẩm ướt.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ sử dụng kháng sinh ở Việt Nam hiện nay luôn ở mức cao, tiền thuốc kháng sinh chiếm 33% tổng chi phí điều trị bệnh, thuốc kháng sinh được mua bán một cách dễ dãi, mà nhiều người vẫn ví “dễ như mua rau”.
WHO ước tính và cảnh báo đến năm 2050, tình trạng kháng thuốc có thể là nguyên nhân gây tử vong cho 10 triệu người trên toàn cầu mỗi năm, tức là cứ 3 giây có 1 trường hợp tử vong, lớn hơn cả nguyên nhân tử vong vì ung thư hiện nay. Hiện tượng kháng thuốc kháng sinh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, bất kỳ nhóm tuổi nào và bất kỳ quốc gia nào. Trong tương lai, các phương pháp hóa trị hay phẫu thuật sẽ không thể thực hiện được, thậm chí phẫu thuật như mổ xẻ hay viêm phổi nhẹ cũng đe dọa đến tính mạng vì không chống được nhiễm trùng.
Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm
Một khảo sát của Bộ Y tế trong năm 2011 cho thấy, ở khu vực thành thị có đến 88% kháng sinh được bán ra mà không cần kê đơn, trong khi ở nông thôn tỷ lệ này còn cao hơn - lên đến 91%. Người dân vẫn mơ hồ về mối đe dọa ngày càng tăng từ tình trạng kháng thuốc kháng sinh đối với sức khỏe. Ghi nhận chưa đầy 30 phút tại cửa hàng thuốc trên đường Nguyễn Ảnh Thủ (quận 12) có 6 người dân đến mua thuốc trị bệnh cảm cúm, ho, viêm họng, dị ứng thông thường do thời tiết... Nhân viên cửa hàng bắt bệnh qua vài câu “phỏng vấn” đơn giản.
Sở Y tế TPHCM vừa khai giảng khóa đào tạo liên tục với chuyên đề “Hướng dẫn sử dụng kháng sinh trong bệnh viện”. Đây là hoạt động nối tiếp sau khi Sở Y tế chính thức ban hành tài liệu hướng dẫn cách chọn lựa và sử dụng kháng sinh thích hợp dựa vào độ nặng lâm sàng tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân, cũng như dựa vào tình hình thực tế kháng thuốc của vi khuẩn phân lập được tại các BV đầu ngành trên địa bàn thành phố trong thời gian qua. |
Theo dược sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược (Sở Y tế TPHCM), để kéo giảm tình trạng kháng thuốc kháng sinh, cần sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội. Riêng đối với nhân viên y tế, cần phòng ngừa nhiễm trùng BV bằng cách rửa tay, khử khuẩn dụng cụ và vệ sinh môi trường đúng quy định; chỉ kê đơn kháng sinh khi cần thiết, theo hướng dẫn hiện hành; báo cáo đầy đủ vi khuẩn kháng kháng sinh cho nhóm giám sát.
Bên cạnh đó, lực lượng y tế cần hướng dẫn bệnh nhân cách dùng kháng sinh đúng cách, tránh lạm dụng kháng sinh; tuyên truyền, phổ biến cho bệnh nhân về cách phòng ngừa nhiễm trùng như tiêm chủng, rửa tay, quan hệ tình dục an toàn, che mũi và miệng khi hắt hơi. Mỗi cá nhân cần phải hiểu đúng để sử dụng kháng sinh một cách có trách nhiệm. Đặc biệt, cần thực hiện quyết liệt việc bán và sử dụng thuốc theo đơn, xử lý nghiêm những cửa hàng, hiệu thuốc làm trái quy định.