Cảnh báo Fanpage giả mạo cuộc thi Viết thư quốc tế UPU tại Việt Nam

Với thủ đoạn lập Fanpage mạo danh cuộc thi viết thư quốc tế UPU để đăng thông tin về cuộc thi giả mạo và hứa hẹn giải thưởng hấp dẫn, kẻ lừa đảo dẫn dụ học sinh, phụ huynh đăng ký nhằm đánh cắp thông tin và tài sản.

Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) cho biết, cuộc thi Viết thư quốc tế UPU được Liên minh Bưu chính thế giới tổ chức từ năm 1971, là một sân chơi bổ ích dành cho học sinh từ 9 đến 15 tuổi, giúp phát triển kỹ năng viết văn và tư duy sáng tạo.

Tại Việt Nam, cuộc thi đã trở thành một hoạt động uy tín, thu hút hơn 1,5 triệu học sinh tham gia mỗi năm. Cuộc thi năm 2024 đã chính thức kết thúc với chủ đề “Hãy viết thư gửi các thế hệ tương lai để nói về thế giới mà bạn hy vọng họ được kế thừa”.

Anh bao lua dao viet thu UPU.jpg
Cảnh báo của Vietnam Post, đơn vị tham gia tổ chức cuộc thi Viết thư quốc tế UPU tại Việt Nam

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, đã xuất hiện nhiều Fanpage giả mạo cuộc thi UPU trên Facebook. Các trang này đăng tải thông tin sai lệch, dẫn dụ học sinh và phụ huynh tham gia cuộc thi giả mạo nhằm lừa đảo, chiếm đoạt thông tin cá nhân và tài sản.

Danh sách các Fanpage lừa đảo:

https://www.facebook.com/vietthuquocteupuvietnam?mibextid=LQQJ4d

https://www.facebook.com/CuocthivietthuUPU53?mibextid=LQQJ4d

https://www.facebook.com/vietthuquocteupu?mibextid=LQQJ4d

Theo Vietnam Post, các Fanpage giả mạo này tự tạo ra chủ đề, hứa hẹn giải thưởng hấp dẫn để thu hút người tham gia. Trang Fanpage chính thức cuộc thi tại Việt Nam có địa chỉ duy nhất là: “facebook.com/cuocthivietthuupuvietnam”.

Các hoạt động trên trang Fanpage này được quản lý bởi Ban Tổ chức gồm Bộ TT-TT, Bộ GD-ĐT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng, cùng Bưu điện Việt Nam.

Vietnam Post và ban tổ chức khuyến cáo, phụ huynh và học sinh cần nâng cao cảnh giác và tuân thủ nguyên tắc “3 không”: không làm theo yêu cầu từ các trang Fanpage hoặc Website không chính thống; không cung cấp thông tin cá nhân hay tài khoản ngân hàng; không truy cập các liên kết lạ hoặc thực hiện bất kỳ thanh toán nào mà chưa xác minh nguồn gốc.

Để phòng tránh những chiêu trò lừa đảo, Bộ TT-TT khuyến cáo người dân cần thận trọng khi tiếp nhận thông tin từ các trang Facebook về các cuộc thi hoặc chương trình trên mạng, đồng thời yêu cầu xác minh rõ ràng danh tính của đơn vị tổ chức trước khi tham gia. Trong trường hợp đã bị lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ và giải quyết.

Lừa đảo mạo danh được Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) nhận định là một trong những điểm nóng về lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng Việt Nam thời gian gần đây.

Nhiều Website, Fanpage giả mạo đã liên tục tạo ra để mạo danh các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của những người dùng lơ là, mất cảnh giác.

Theo thống kê, đến nay, cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến quốc gia đã tập hợp được hơn 125.000 địa chỉ Website giả mạo các cơ quan, tổ chức với mục đích lừa đảo.

Để phòng tránh chiêu lừa mạo danh các tổ chức, thương hiệu nổi tiếng nhằm tổ chức những cuộc thi, chương trình giả mạo, Cục An toàn thông tin khuyến cáo, người dân không nên làm theo hướng dẫn của đối tượng lạ, nhất là yêu cầu chuyển tiền; không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng dưới mọi hình thức.

Trường hợp đã bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, hướng dẫn giải quyết. Các tổ chức, doanh nghiệp bị mạo danh để lừa đảo cần chủ động triển khai rà quét trên không gian mạng nhằm phát hiện sớm các Website, Fanpage giả mạo đơn vị mình, nhanh chóng có cảnh báo đến người dùng nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi lừa đảo, đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng và cũng là bảo vệ uy tín, thương hiệu của tổ chức.

Tin cùng chuyên mục