Cảnh báo dông, lốc, sét, mưa đá ở Nam bộ

Chiều 7-9, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ (Tổng Cục khí tượng thủy văn) phát tin cảnh báo dông, lốc, sét, mưa đá và mưa lớn cục bộ ở Nam bộ.

LUA NGA DO 1.jpg
Lúa tại huyện Tân Hưng (Long An) ngã đổ

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, trong 3 giờ qua, theo dõi trên ảnh mây vệ tinh, ảnh ra đa thời tiết, định vị sét cho thấy, mây dông đang phát triển gây mưa rào và kèm theo dông, sét trên khu vực các tỉnh: Long An, Đồng Tháp, Trà Vinh, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và TPHCM.

Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1. Trong các giờ tới, mây dông tiếp tục phát triển và gây mưa rào kèm theo dông, sét trên các khu vực huyện Thủ Thừa, Mộc Hóa, Đức Huệ, Đức Hòa, Tân Hưng (tỉnh Long An); huyện Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp); các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú và thị xã Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh); các huyện Trảng Bàng, Bến Cầu, Dương Minh Châu, Tân Châu (tỉnh Tây Ninh); các huyện Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo, TP Thủ Dầu Một và thị xã Bến Cát (tỉnh Bình Dương); các huyện Hớn Quản, Bù Đăng, Lộc Ninh, Bù Gia Mập, Bù Đốp, thị xã Chơn Thành và thị xã Bình Long (tỉnh Bình Phước); các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn và các quận 6, quận 7, Tân Phú (TPHCM).

Sau đó, mây dông có xu hướng mở rộng và lan sang các khu vực lân cận khác. Lượng mưa phổ biến từ 10-30mm, có nơi trên 50mm. Trong cơn dông đề phòng lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh cấp 5-8.

Để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả cơn bão số 3 và thời tiết nguy hiểm, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh đề nghị, các sở, ngành tỉnh và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố không được chủ quan, lơ là trong công tác ứng phó với bão.

Trước tình hình bão số 3, các địa phương nêu trên đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Tại Long An, chủ động công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, công trình phòng, chống thiên tai, bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp, chỉ đạo tổ chức bơm tiêu úng trong trường hợp có mưa lớn xảy ra; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời, có hiệu quả, bảo đảm an toàn về người, tài sản khi có tình huống xảy ra.

toc mai tg.jpg
Dông lốc làm nhiều căn nhà tại Tiền Giang tốc mái

Tại Tiền Giang, đỉnh lũ xấp xỉ trên sông Tiền xuất hiện vào giữa tháng 10, ở mức thấp hơn đến bằng báo động I. Các trạm vùng hạ lưu sông Tiền, mực nước cao nhất năm ở mức cao hơn báo động III khoảng 0,25 - 0,35 m xuất hiện vào giữa tháng 10 và giữa tháng 11. Tuy nhiên, đỉnh triều dự báo ở mức cao hơn nhiều so với trung bình nhiều năm dẫn đến tác động kết hợp giữa lũ và triều cường có nguy cơ gây ngập lụt, úng cho các khu vực ven sông, cù lao và vùng trũng.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang đề nghị UBND các huyện, thị xã và thành phố theo dõi, cập nhật chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí tượng thủy văn; bản tin cảnh báo diễn biến lũ và triều cường, thông tin dự báo dòng chảy, thủy triều của các cơ quan chuyên ngành khí tượng thủy văn, cơ quan khoa học thuộc Bộ NN-PTNT đang cung cấp định kỳ cho các địa phương.

Đồng thời, các địa phương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát lại hệ thống đê bao, bờ bao, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, các vị trí xung yếu, có nguy cơ xảy ra sự cố trong mùa lũ, triều cường. Song song đó là gia cố, nâng cấp đê bao, bờ bao xuống cấp, trũng thấp để bảo vệ diện tích vườn cây ăn trái; gia cố, bảo vệ ao nuôi thủy sản; thu hoạch hoa màu…

Tin cùng chuyên mục