Nguồn nước sạch sông Đà cấp cho Hà Nội đã an toàn để người dân ăn uống, sinh hoạt. Trong khi đó, Công an tỉnh Hòa Bình tiếp tục điều tra xử lý vụ án xả dầu thải làm ô nhiễm nguồn nước sông Đà.
100% mẫu nước đạt quy chuẩn
Cập nhật thông tin mới nhất về việc khắc phục sự cố cung cấp nước sạch tại Nhà máy Nước sạch Sông Đà, ông Vũ Đăng Định, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội, cho biết, sau khi sự cố xảy ra, Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã mời Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu hóa chất thực hiện xử lý dầu ngấm vào đất bằng việc bóc lớp đất thấm dầu, thu gom để xử lý, phun vi sinh xử lý thấm dầu; lắp đặt phao chuyên dụng ngăn dầu, hút dầu tại suối Bằng và kênh dẫn nước vào công trình thu, trạm bơm cấp 1 của Nhà máy Nước mặt sông Đà ở huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình. Đồng thời, tổ chức nạo vét toàn bộ đất, bùn nhiễm dầu thải tại khu vực mà các đối tượng đã đổ dầu thải và dòng chảy tại suối Bằng.
Cùng với đó, Viwasupco đã tiến hành súc xả toàn bộ hệ thống mạng lưới đường ống truyền dẫn nước sạch sông Đà, vệ sinh khu xử lý, thay nước bể chứa trung gian, bể chứa tại trạm bơm tăng áp Tây Mỗ.
Đối với công tác kiểm tra chất lượng nước, Sở Y tế Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội đã tiến hành lấy mẫu nước tại đầu nguồn, tại nhà máy, các bể chứa tăng áp và tại các vùng người dân bị ảnh hưởng để xét nghiệm.
Tính tới ngày 21-10, mẫu nước ở địa bàn 8 quận/huyện có sử dụng nước của Nhà máy Nước sạch sông Đà: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất và Quốc Oai đã cho kết quả là 69/69 mẫu đạt quy chuẩn về styren theo QCVN 01:2009/BYT.
Với kết quả trên, đại diện UBND TP Hà Nội khẳng định, đến nay nguồn nước sạch sông Đà cấp cho Hà Nội đã an toàn, đảm bảo các tiêu chí theo QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của người dân, hiện Công ty Nước sạch Hà Nội vẫn tiếp tục cung cấp nước sạch bằng xe téc miễn phí theo nhu cầu, đồng thời cấp nước bằng các bình nhựa 20 lít cho các trường mầm non, tiểu học trong khu vực bị ảnh hưởng. UBND TP Hà Nội cũng giao Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội tiếp tục lấy mẫu nước để xét nghiệm tại các vùng dân bị ảnh hưởng đến hết tháng 10.
Trả lời báo chí về bảo đảm an ninh, an toàn nguồn nước sau sự cố trên, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết, thành phố đã yêu cầu Viwasupco kiểm tra, rà soát hệ thống thiết bị giám sát, kiểm soát chất lượng nước trên toàn bộ hệ thống. Thiết bị nào không đạt yêu cầu cần thay thế ngay, đồng thời nghiên cứu lắp đặt các thiết bị quan trắc cảnh báo tự động hiện đại ngay từ đầu nguồn nước thô để kịp thời phát hiện những chỉ tiêu, dấu hiệu không an toàn.
Rút kinh nghiệm về việc phản ứng chậm
Chiều 22-10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, sau vụ việc nguồn cấp nước cho Nhà máy Nước sạch sông Đà bị ô nhiễm, từng khu vực, thậm chí từng hộ dân phải quan tâm hơn đến bể nước gia đình mình.
Trong vụ việc này, doanh nghiệp kinh doanh nguồn nước phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước; trách nhiệm bảo vệ vòng ngoài là công an; còn hồ thủy điện thì chủ đầu tư nào làm phải giám sát, kể cả ô nhiễm, sạt lở… Phải củng cố hệ thống quan trắc nước sạch và chia trách nhiệm từng công đoạn. Khâu phân phối cũng phải có quan trắc thường xuyên để phát hiện kịp thời sự cố.
Đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội thừa nhận, chính quyền Hà Nội phải rút kinh nghiệm về việc phản ứng chậm trước sự cố này và ông sẽ chỉ đạo rà soát lại quy định về điều kiện đầu tư cung cấp nước sạch. Vụ việc này và trước đó là vụ cháy tại Nhà máy Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông, đã cho thấy những “lỗ hổng” trong phân công, phân nhiệm, xử lý công việc và thông tin cũng như phối hợp hành động giữa các cơ quan có liên quan của thành phố.
Bên lề kỳ họp Quốc hội, chiều 22-10, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng, sự cố xảy ra đối với nước sạch sông Đà chính là “cảnh báo đỏ cho việc quản lý an ninh nguồn nước, nhất là nước dùng cấp cho sinh hoạt”.
“Tôi cho rằng, phải xem lại các khía cạnh. Thứ nhất là thiếu chủ động ban hành những cơ chế chính sách, quy phạm liên quan đến việc bảo vệ nguồn nước. Thứ hai là việc thực thi chính sách pháp luật của doanh nghiệp. Thứ ba là chuyển từ việc Nhà nước đảm bảo nguồn nước sạch sang tư nhân thì có những mặt tích cực, nhưng bên cạnh đó, sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước địa phương và doanh nghiệp tư nhân trong vấn đề bảo vệ an toàn nguồn nước chưa có quy định và quy trách nhiệm...Nếu biết nước ô nhiễm vẫn cung cấp thì các hộ sử dụng nước có thể kiện. Còn khi cung cấp sản phẩm bẩn ra thị trường thì căn cứ theo quy định của pháp luật, có thể xem xét xử lý. Cung cấp nước bẩn cũng có thể đi tù. Tuy nhiên, việc này phải chờ cơ quan pháp luật xem xét cụ thể”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc thành phố có tính đến phương án nếu không đảm bảo nước sạch và không kịp thời xử lý, có thể cắt không sử dụng nước của doanh nghiệp vi phạm hay không, Bí thư Thành ủy TP Hoàng Trung Hải khẳng định: “Chúng ta hoàn toàn có quyền thay thế (nhà cung cấp - PV) và bắt họ phải thực hiện đúng. Doanh nghiệp cung cấp những dịch vụ thiết yếu bắt buộc phải thực hiện nhiều quy định chặt chẽ về những điều không được phép làm, không được phép để xảy ra”. |