Cảnh báo đại dịch béo phì ở người trẻ

Tại TPHCM, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở người trưởng thành là 37% và học sinh là 43%. Béo phì đang là đại dịch của thế giới, liên quan đến hơn 200 bệnh lý như tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư.

Thông tin trên được chia sẻ tại Hội nghị khoa học thường niên 2024 của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, diễn ra vào ngày 3-8.

Theo BS-CK2 Trần Thị Kim Chi, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh Viện Nhân dân Gia Định, béo phì không còn là vấn đề về thẩm mỹ mà là một căn bệnh phức tạp liên quan đến hơn 200 bệnh lý và biến chứng như tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư… Ở Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì không cao như một số quốc gia trong khu vực nhưng tốc độ gia tăng béo phì nhanh nhất Đông Nam Á. Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc năm 2020 cho thấy, chỉ trong 10 năm, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em đã tăng gấp đôi, TPHCM có tỷ lệ cao nhất.

Tại TPHCM, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở người trưởng thành ở mức 37% nhưng lên đến 43% ở trẻ em học đường. Các thống kê từ hoạt động khám sức khỏe doanh nghiệp cho thấy tỷ lệ thừa cân, béo phì của nhân viên văn phòng là trên 40%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở sinh viên là trên 20%.

z5695331965565_8876d69b3e8478f7a70ae35b5623b906.jpg
Đại biểu tham dự Hội nghị khoa học thường niên 2024

Béo phì ở người trẻ do rất nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có yếu tố ăn uống không lành mạnh, lười tập thể dục...

“Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu một trẻ em béo phì nặng thì kỳ vọng sống giảm đến 50%, còn ở người trưởng thành thì kỳ vọng sống giảm hơn 10 năm”, BS Trần Thị Kim Chi chia sẻ.

BS Trần Thị Kim Chi nhấn mạnh, béo phì là một đại dịch phát triển nhanh trên toàn cầu, đe dọa sức khỏe người bệnh và ảnh hưởng đến hệ thống y tế, kinh tế. Hậu quả của đại dịch này là tăng tỷ lệ người trẻ mắc các bệnh lý đáng lý chỉ gặp ở người lớn tuổi. Trong khi đó, trẻ em béo phì đối mặt với chậm phát triển chiều cao và ảnh hưởng tâm sinh lý, giảm năng suất học tập, lao động.

Việc can thiệp điều trị béo phì ở người trẻ là một “cuộc chiến” rất khó khăn và nhiều thách thức. Tuy nhiên, các nghiên cứu lâm sàng và kinh nghiệm thực tế cho thấy kiên trì tuân thủ can thiệp đa mô thức theo cá thể hóa với nền tảng thay đổi lối sống là biện pháp hiệu quả, khả thi.

z5695331965599_8d5fe34c3b286a186b092f96d53ff17a.jpg
Hội nghị khoa học thường niên 2024

Hội nghị khoa học thường niên 2024 của Bệnh viện Nhân dân Gia Định thu hút hơn 1.000 đại biểu với 10 phiên chuyên đề, 4 phiên vệ tinh và hơn 60 bài báo cáo khoa học với nhiều nội dung chuyên sâu trong các lĩnh vực khác nhau như: nội ngoại khoa, sản phụ khoa, tim mạch, bệnh lý gan mật, ung thư, gây mê hồi sức, điều dưỡng… Nội dung các phiên báo cáo ở từng chuyên khoa tuy tinh gọn nhưng đủ bao phủ những vấn đề đang được quan tâm trong thực hành lâm sàng và định hướng giải pháp nhằm tối ưu hóa mọi nguồn lực y khoa trong chăm sóc sức khỏe người bệnh.

Tin cùng chuyên mục