Không chủ quan với viêm não
Ghi nhận tại khoa Nhiễm, BV Nhi đồng TP, các bác sĩ (BS) cho biết, một tháng trở lại đây trẻ bị mắc bệnh lý nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, điển hình là viêm não và viêm màng não đang gia tăng. Như tuần 3 của tháng 4, khoa tiếp nhận 10 trường hợp mắc viêm não, viêm màng não. Hiện tại, khoa Nhiễm đang điều trị tích cực gần 20 ca bệnh. Trước đó, trung bình mỗi tuần BV tiếp nhận điều trị 2-3 ca bệnh. Hều hết các ca bệnh được chuyển viện đến từ các tỉnh, thành lân cận như Long An, Trà Vinh, Bến Tre…
Chị Bùi Thị Ngọc Trâm (38 tuổi, quê Long An), có con 9 tuổi bị viêm não, đang điều trị tại BV Nhi đồng TP, cho biết: “Mới bệnh, cháu nóng, ngủ nhiều, sốt khoảng 38 độ. BS kết luận viêm não Nhật Bản, khả năng phục hồi khoảng vài tháng hoặc vài năm, chưa thể tiên lượng được”.
BS CK2 Nguyễn Trần Nam, Phó Giám đốc BV Nhi đồng TP cảnh báo, bệnh viêm não xuất hiện quanh năm, xu hướng tăng vào mùa hè. Trong đó, đáng ngại nhất có 2 bệnh viêm não do nhiễm trùng gồm viêm não Nhật Bản (25%-30% số ca viêm não) và viêm não do virus Herpes (chiếm 15%-20% số ca viêm não). Đến nay, chưa có thuốc đặc trị viêm não, việc điều trị chủ yếu giải quyết các triệu chứng. Tỷ lệ tử vong của viêm não Nhật Bản lên tới 30%.
Ghi nhận tại khoa nhiễm của BV này cho thấy, bệnh viêm não, viêm màng não đang có dấu hiệu bùng phát, nhất là tại các tỉnh Tây Nam bộ. Bệnh có tình trạng viêm nhiễm của nhu mô não và màng não. Là bệnh cấp cứu nguy hiểm có thể gặp ở mọi lứa tuổi, phổ biến ở trẻ em, do nhiều tác nhân gây nên như virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng... Triệu chứng thường gặp là sốt, đau đầu, nôn, quấy khóc, ngủ li bì. Trường hợp nặng có thể gây co giật, hôn mê, bệnh diễn biến nhanh do đó cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời để giảm thiểu nguy cơ tử vong hoặc để lại di chứng chậm phát triển, bại não, động kinh cho trẻ.
“Bệnh tử”
Vừa qua, tại TPHCM có bệnh nhi tử vong do viêm màng não mô cầu. BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, bệnh nhi 30 tháng tuổi ở quận 8, có biểu hiện sốt cao, đau đầu, nổi ban đỏ, được gia đình đưa vào BV Nhi đồng 1 khám, được chẩn đoán bị viêm màng não mô cầu. Dù được BV nỗ lực cứu chữa, nhưng do phát hiện trễ nên bé đã tử vong sau 6 giờ vào viện. Sở đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng quận 8 thực hiện khoanh vùng vùng dịch, xử lý vệ sinh dịch tễ nơi bệnh nhi sinh sống. Từ đó đến nay, chưa ghi nhận thêm ca bệnh nào liên quan đến viêm màng não mô cầu.
PGS-TS-BS Cao Hữu Nghĩa, giảng viên Trung tâm Đào tạo, Viện Pasteur TPHCM, chia sẻ viêm màng não mô cầu là thể nguy hiểm, ai cũng có thể mắc, nguy cơ nhất là trẻ dưới 5 tuổi, người từ 14-20 tuổi, người già và người bị suy giảm miễn dịch. Đỉnh dịch là mùa hè, từ tháng 4 đến tháng 8. Trung bình mỗi năm có khoảng 100 người mắc bệnh. “100 là con số không nhiều, nhưng có đến 50% người mắc viêm màng não mô cầu chết trong vòng 24 giờ, nếu không được can thiệp kịp thời”, BS Nghĩa nhấn mạnh và lưu ý: “Dù được điều trị kịp thời nhưng có 8-15% bệnh nhân tử vong vì biến chứng quá nặng. Ngay cả khi đã được điều trị, có đến 2/10 bệnh nhân sống sót, xuất hiện các di chứng như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt, đoạn chi”.
Cũng theo BS Nghĩa, có nhiều lý do khiến viêm màng não mô cầu trở thành “bệnh tử”, đó là khoảng 5-20% dân số Việt Nam mang trùng (mầm bệnh), nhưng không có biểu hiện ra bên ngoài. Vi khuẩn khu trú ở vùng họng, sau đó chúng vượt khỏi hàng rào miễn dịch, tấn công người bệnh hoặc lây qua người lành. Vi khuẩn này dễ dàng lây từ người sang người, thông qua dịch tiết, giọt bắn khi tiếp xúc gần và lâu với người bệnh, lúc nôn, hắt hơi, ho. Triệu chứng bệnh xuất hiện đột ngột, ban đầu giống như cúm, nhiễm siêu vi nên phụ huynh, thậm chí BS khó chẩn đoán đúng bệnh ở giai đoạn sớm. Nếu trẻ sốt bình thường, uống thuốc hạ sốt là ổn. Nếu là viêm màng não mô cầu, trẻ sẽ sốt dai dẳng.
Đặc biệt, bệnh diễn tiến nhanh trong 24 giờ, từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên. 8 giờ đầu, trẻ sốt, buồn nôn, chán ăn. 8 giờ tiếp theo, trẻ xuất hiện các nốt ban (xuất huyết) màu đỏ, tập trung ở các vùng da non như bẹn, đùi, kèm cứng cổ, sợ ánh sáng. 8 giờ tiếp theo, các vết ban nổi khắp cơ thể. Từ màu đỏ, ban chuyển qua thâm đen, quá trình hoại tử tiến triển nhanh. Lúc này trẻ sẽ rơi vào hôn mê, mê sảng, co giật… có thể tử vong. Trong khi đó, thời gian trung bình bệnh nhân phải được nhập viện cấp cứu là 19 giờ.
Để tránh nguy cơ nhiễm bệnh, tử vong hoặc gặp phải di chứng nặng nề, các chuyên gia y tế khuyến cáo, hiện vaccine đã được cung ứng trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Ngoài ra, trên thị trường còn có nhiều loại vaccine với khả năng tạo miễn dịch khoảng 90% với các loại bệnh trên. Phụ huynh có con nhỏ cần đưa trẻ đi chích ngừa đúng lịch theo tư vấn của BS. Người lớn cũng cần lưu ý chích ngừa đầy đủ, đúng lịch hẹn để chủ động bảo vệ sức khỏe, tránh nguy cơ nhiễm bệnh. Ngoài ra, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng; vệ sinh nơi ở và nơi làm việc thông thoáng; khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, cổ cứng, nổi ban đỏ… cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Đã có 2 ca tử vong Báo cáo công tác y tế do Bộ Y tế gửi Văn phòng Chính phủ mới đây cho thấy, tháng 4-2021, cả nước ghi nhận 64 trường hợp mắc viêm não virus, trong đó 1 trường hợp tử vong tại Bến Tre - là trường hợp đầu tiên tử vong bởi viêm não virus trong năm nay. Từ đầu năm đến hết tháng 4, cả nước ghi nhận gần 150 trường hợp mắc viêm não virus. Khu vực phía Nam cũng ghi nhận 8 trường hợp mắc viêm màng não mô cầu, có 1 trường hợp tử vong tại TPHCM. Số ca mắc viêm màng não mô cầu tăng 200%, so với cùng kỳ năm 2020. |