Là vựa hoa lớn nhất Đông Nam bộ, làng hoa Kim Dinh có hơn 50 hộ trồng hoa tết với diện tích khoảng 20ha. Thế nhưng, năm nay không khí ở làng hoa Kim Dinh có phần đìu hiu hơn các năm trước.
Đến nhà ông Mai Hùng Sơn, một “lão làng” trong nghề trồng hoa ở Kim Dinh, ông Sơn than thở: “Năm trước, nghề trồng hoa thắng lớn, nhà nào cũng có lợi nhuận từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, có nhà làm một vụ mà tiêu xài cả năm. Vì vậy, năm nay nhà nào cũng đầu tư chậu lớn, xuống giống nhiều với kỳ vọng tiếp tục một năm thắng lợi. Tuy nhiên, năm nay thời tiết đỏng đảnh lại bị ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới vào cuối năm 2018 nên thiệt hại cũng không nhỏ”.
Riêng vườn nhà ông Sơn có 10.000 gốc ly ly nhập về từ Hà Lan thì đến nay đã chết đến quá nửa, thiệt hại hơn 150 triệu đồng, bằng với số tiền lời mà năm ngoái gia đình ông kiếm được. Còn với cúc đại đóa, giống hoa được trồng nhiều nhất ở Kim Dinh, năm nay số chậu tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. Vì được chăm sóc khá kỹ nên giống hoa này năm nay khá đẹp, hoa đều màu và nở đúng dịp. Nhưng hiện tại đã cận cuối tháng Chạp mà không có mấy mối lái đến hỏi han khiến người dân hết sức lo lắng, bởi mọi năm vào thời gian này thì gần như các nhà vườn đã có thương lái đến đặt mua gần hết.
Năm nay, có nhiều nhà chưa bán được chậu nào và phải treo bảng “Bán hoa tết”. Dù là “lão làng” trong nghề trồng hoa tết, nhưng đến nay ông Sơn mới chỉ nhận đặt cọc được hơn một nửa trong tổng số trên 2.000 chậu cúc đại đóa; số còn lại, ông Sơn đang tính thuê xe chở đến các chợ ở TPHCM, Bình Thuận, Đồng Nai… tiêu thụ.
Theo phân tích của một số người trồng hoa lâu năm, năm ngoái người trồng hoa thắng lớn, còn thương lái bán thì lỗ nặng do thị trường tiêu thụ chậm và dội hàng vào những ngày giáp tết nên năm nay thương lái khá cẩn trọng, dè dặt trong việc đặt cọc mua hoa vì sợ lỗ như năm rồi. Mặc dù hoa đẹp, nhưng ít người hỏi mua nên giá hoa hiện nay giảm so với năm ngoái. Nếu như cặp cúc đại đóa cao chừng 60cm, năm rồi có giá 600.000 - 700.000 đồng thì năm nay thương lái chỉ ngả giá 500.000 - 600.000 đồng/cặp. Và với mức giá này, người trồng hoa chỉ hòa vốn hoặc lời 50.000 đồng/chậu.
Mặc dù không có nhiều hy vọng, nhưng nông dân trồng hoa vẫn tin tưởng sẽ bán hết hàng do những năm gần đây xuất hiện tâm lý người tiêu dùng chờ đến ngày cận tết mới đi mua hoa. Và như vậy, lượng hoa tiêu thụ vào ngày giáp tết có triển vọng hơn, chỉ có điều là người trồng hoa dễ bị thương lái ép giá và khả năng có lời không lớn. Nhiều người ví von, nghề trồng hoa tết cũng giống như canh bạc, có năm thời tiết thuận lợi, hoa được giá thì thắng lớn, nhưng có năm thời tiết thất thường, kinh tế khó khăn, hoa không bán được thì lỗ nặng. Thế nhưng, nghề trồng hoa đã gắn bó người dân nơi đây, nên cứ cuối năm là trồng hoa tết. Từ đó, hình thành nên làng hoa truyền thống Kim Dinh được truyền từ đời này qua đời khác.