Hãng Reuters dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen, cho hay: “Ô tô điện giá rẻ của Trung Quốc đang tràn ngập thị trường thế giới. Giá thành ở mức thấp giả tạo là nhờ những khoản trợ cấp khổng lồ của nhà nước”. Theo Công ty Tư vấn AlixPartners (Mỹ), trong giai đoạn 2016-2022, Bắc Kinh đã trợ cấp 57 tỷ USD cho ô tô điện và hybrid (xe lai - sử dụng cùng lúc động cơ xăng và động cơ điện). Điều này giúp Trung Quốc trở thành nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới và vượt qua Nhật Bản, chiếm vị trí nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới trong quý đầu của năm nay.
Ông Thierry Breton, Ủy viên đặc trách thị trường nội khối của EU, cho biết, nếu kết quả điều tra cho thấy xe Trung Quốc được chính phủ “trợ giá”, EU có toàn quyền nâng thuế nhập khẩu đánh vào ô tô điện từ Trung Quốc bán sang 27 nước thành viên EU. Thuế hải quan khi đó có thể lên tới 20%, thay vì 10% như hiện tại.
Theo giới quan sát, việc EU đưa ra cáo buộc với Trung Quốc có nhiều lý do. Trước hết, xe của châu Âu bán sang Trung Quốc bị Bắc Kinh đánh thuế 15%, trong khi ở chiều ngược lại, con số này chỉ là 10%. Ô tô điện Trung Quốc bán sang Mỹ bị đánh thuế 27%, nên đến nay các nhà sản xuất Trung Quốc vẫn chưa bước qua được hàng rào thuế quan của Mỹ. Ngoài ra trên thị trường, giá thành xe Trung Quốc rẻ hơn đến 20% so với một kiểu xe tương đương do các tập đoàn châu Âu cung cấp.
Tuy nhiên, cũng có nhiều nghi ngờ về việc tăng thuế đánh vào ô tô Trung Quốc giúp cho ngành công nghiệp xe hơi của EU cất cánh. Nhà báo Dominique Seux của Nhật báo Kinh tế Les Echos (Pháp) cho rằng, tuy cần bảo vệ nền công nghiệp xe hơi “thế hệ mới”, nhưng trước mắt, tăng thuế đánh vào ô tô điện Trung Quốc đặt ra ít nhất 3 vấn đề cho chính EU: gây bất lợi cho người tiêu dùng trong thị trường châu Âu với giá xe điện sẽ đắt hơn; hạn chế ô tô điện Trung Quốc có nghĩa là mục tiêu ngừng sử dụng xe hơi chạy bằng xăng, dầu sẽ bị chựng lại và gây bất lợi cho môi trường; EU cáo buộc Bắc Kinh trợ giá cho xe sản xuất nội địa, tạo ra cạnh tranh bất bình đẳng với các nhà sản xuất châu Âu, nhưng thực tế là khối này cũng trợ giúp các hãng xe của mình, điển hình là tập đoàn sản xuất bình điện cho ô tô của Pháp Verkor vừa được chính phủ hỗ trợ hàng triệu EUR.
Ông Luca de Meo, lãnh đạo Tập đoàn Xe hơi Pháp Renault, cho biết, ông muốn ngành công nghiệp xe điện tại châu Âu được “bảo vệ” nhưng không nên “trừng phạt” xe Trung Quốc mà nên giúp các hãng xe châu Âu hoạt động hiệu quả hơn, có sức cạnh tranh mạnh hơn. Trong khi đó, giáo sư kinh tế Thomas Porcher của Trường Quản trị kinh doanh Paris (Pháp), cho rằng dù có đánh thuế xe điện Trung Quốc, EU vẫn không giấu được một thực tế, đó là sự chậm trễ của mình trong một lĩnh vực công nghệ then chốt.
Bắc Kinh đã lên án EU nhân danh cạnh tranh bình đẳng để áp dụng các biện pháp bảo hộ, đồng thời cảnh báo hành vi kém thân thiện của Brussels sẽ ảnh hưởng xấu đến quan hệ kinh tế song phương.