Căng thẳng mới xảy ra trước thềm cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Thomas Shannon tại Washington DC vào ngày 17-7.
Sẽ hành động nếu không có biến chuyển
Tuyên bố trên được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ, đồng thời nhấn mạnh Nga không bao giờ mong muốn áp đặt các biện pháp cực đoan trong quan hệ với Mỹ, nhưng “nếu vụ việc không có biến chuyển, Mátxcơva buộc phải áp đặt các biện pháp trả đũa”.
Theo báo Izvestia của Nga, Mátxcơva đang lên kế hoạch trục xuất gần 30 nhà ngoại giao Mỹ và tịch biên một số tài sản của Đại sứ quán Mỹ tại Nga. Biện pháp này của Mátxcơva được cho là nhằm đáp trả quyết định của Washington không trả lại tài sản của Đại sứ quán Nga tại Mỹ bị tịch biên từ tháng 12-2016. Chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thông qua một gói các biện pháp trừng phạt Nga do “can thiệp bầu cử” và “gây áp lực lên các nhà ngoại giao” Mỹ đang làm việc tại Nga.
Trong số các biện pháp trừng phạt có việc trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và tịch biên 2 khu nhà ngoại giao của Đại sứ quán Nga tại Mỹ. Khi đó, phía Nga không áp đặt các biện pháp trả đũa với hy vọng quan hệ với Mỹ sẽ được cải thiện khi Nhà Trắng có chủ nhân mới. Tuy nhiên, bế tắc trong quan hệ giữa Mátxcơva và Washington dưới thời chính quyền mới ở Mỹ vẫn chưa được khai thông.
Mátxcơva nhiều lần tuyên bố áp đặt các biện pháp trả đũa hành động của Washington. Trước đó, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định bất kỳ điều kiện tiên quyết nào mà Mỹ đưa ra nhằm đổi lấy việc trao trả tài sản ngoại giao của Mátxcơva bị Washington tịch thu là đi ngược lại luật pháp quốc tế (ám chỉ những đòi hỏi chính quyền Mátxcơva phải nhượng bộ trong cuộc khủng hoảng tại Syria).
Chưa thể bình thường hóa
Mặc dù Nga cho biết trong tuần tới sẽ đưa ra quyết định liệu có trả đũa Mỹ liên quan đến việc Washington tịch biên tài sản ngoại giao của Nga ở Mỹ hay không, hành động của Nga sẽ phụ thuộc vào kết quả cuộc gặp tại Washington vào ngày 17-7 giữa Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov và người đồng cấp Mỹ Thomas Shannon. Tuy nhiên, theo báo Izvestia, cuộc họp giữa 2 quan chức trên có thể bị hủy bỏ từ phía Nga nếu các vấn đề liên quan đến các khu nhà ngoại giao của Nga tại Mỹ không được giải quyết. Điều này sẽ xảy ra nếu Mỹ không quay trở lại cuộc thảo luận về vấn đề liên quan đến việc trả lại các tòa nhà ngoại giao của Nga cũng như không thiết lập chương trình nghị sự tham vấn có lợi cho cả hai bên.
Diễn biến căng thẳng trên đã củng cố nhận định của giới quan sát quốc tế rằng cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hamburg, Đức, hồi tuần trước không giúp tháo gỡ những rào cản bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Cuộc hội đàm hiếm hoi kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, thay vì khoảng 30 phút theo kế hoạch ban đầu, chỉ có thể là một tín hiệu tích cực, cho thấy hai bên sẵn sàng tạm gác những bất đồng và tiến hành đối thoại nhằm tìm tiếng nói chung trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ thời gian qua đặc biệt căng thẳng. Bất đồng trong quan hệ Nga - Mỹ vốn tích tụ chồng chất trong nhiều năm qua.
Việc chính quyền Mỹ trung tuần tháng 6 vừa qua tiếp tục gia hạn trừng phạt Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine là “giọt nước tràn ly” khiến Mátxcơva cũng gia hạn đến 31-12-2018 lệnh cấm nhập khẩu vào Nga một số loại nông sản, nguyên liệu và thực phẩm từ Mỹ. Để khai thông bế tắc cần phải nỗ lực vượt qua chặng đường đầy chông gai phía trước.