Mối đe dọa
JCS cho biết, tên lửa được phóng từ phía Đông tỉnh South Hamgyong của Triều Tiên sau đó rơi xuống khu vực gần lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản. Theo JCS, tình báo Mỹ và Hàn Quốc đang phân tích dữ liệu về vụ phóng. Giới chức Nhật Bản cho rằng, tên lửa Triều Tiên vừa phóng đã bay được khoảng 450km trước khi rơi xuống biển. Tầm bay này cho thấy, đây có thể là loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn có khả năng mang vũ khí hạt nhân mà Triều Tiên đã thử trước đây. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như không trực tiếp giám sát vụ phóng tên lửa. Giới chuyên gia dự báo, Triều Tiên sẽ tiếp tục phô trương lực lượng ít nhất là cho đến ngày sinh nhật cố Chủ tịch Kim Nhật Thành (15-4).
Ngay sau vụ phóng, Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của quân đội Mỹ ra tuyên bố nhấn mạnh, các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên cho thấy rõ mối đe dọa mà chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng gây ra cho các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế, đồng thời cho biết đang theo dõi tình hình và tham khảo ý kiến của các đồng minh.
Trước đó, Triều Tiên đã phóng thử nhiều tên lửa tầm ngắn vào cuối tuần qua nhưng phía Mỹ cho rằng hành động này không vi phạm quy định của Liên hiệp quốc do chỉ là cuộc thử nghiệm bình thường. Vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất diễn ra trong bối cảnh Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan dự kiến đón tiếp hai người đồng cấp từ Hàn Quốc và Nhật Bản tại Washington D.C vào tuần sau để bàn về chính sách đối với Triều Tiên.
Bước tiến mới?
Cùng ngày, Phủ Tổng thống Hàn Quốc thông báo, các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu của nước này bày tỏ sự “quan ngại sâu sắc” về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, đặc biệt là khi nó diễn ra trong bối cảnh chính phủ mới ở Mỹ đang xem xét lại chính sách của Washington đối với Bình Nhưỡng. Trong cuộc họp khẩn kéo dài 90 phút sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, Ủy ban thường trực Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) Hàn Quốc đã đánh giá tình hình an ninh chung trên bán đảo Triều Tiên và quyết định tiến hành phân tích đầy đủ ý định của Triều Tiên cùng với các quốc gia khác liên quan, đồng thời tăng cường tham vấn với các nước này. Theo cơ quan tình báo Hàn Quốc, vụ phóng mang tính khiêu khích của Triều Tiên được sắp đặt để tác động đến cuộc họp báo sắp tới của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, Thủ tướng Suga Yoshihide đã chỉ thị cho các quan chức liên quan tiếp tục thu thập thông tin về vụ phóng này của Triều Tiên và thông báo cho người dân. Thủ tướng Nhật Bản khẳng định, đây là 2 tên lửa đạn đạo và là vụ phóng tên lửa đạn đạo đầu tiên của Bình Nhưỡng kể từ ngày 29-3-2020, vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên được cho là phóng 2 tên lửa đạn đạo, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã kêu gọi nỗ lực nhằm duy trì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời phản đối bất kỳ hoạt động quân sự nào trong khu vực. Tuyên bố trên được đưa ra trong thông cáo báo chí sau cuộc hội đàm của Ngoại trưởng Lavrov với người đồng cấp Chung Eui-yong trong khuôn khổ chuyến thăm Hàn Quốc, trong đó Seoul kêu gọi Moscow đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành và nền kinh tế sụt giảm nghiêm trọng, Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển quân đội, vũ khí hạt nhân và chương trình tên lửa đạn đạo. Trang web 38 North có trụ sở tại Mỹ chuyên theo dõi và phân tích về Triều Tiên cho biết, Bình Nhưỡng đã hé lộ nhiều loại tên lửa mới và cho thấy “một quân đội với diện mạo hoàn toàn mới” thời gian qua. Theo nhận định của trang web 38 North, nhiều khả năng Triều Tiên coi đây là những bước tiến giúp họ có vị thế mạnh mẽ hơn so với trước kia.