Bước lùi trong quan hệ
Triều Tiên thông báo cho biết, sẽ khôi phục các trạm gác tại vùng phi quân sự vốn đã được hủy bỏ theo thỏa thuận giảm căng thẳng liên Triều ký năm 2018, đồng thời nối lại tất cả hoạt động diễn tập quân sự thường kỳ tại các khu vực gần biên giới liên Triều. Các đơn vị pháo binh gần khu biên giới biển phía Tây cũng sẽ được tăng cường và sẵn sàng lên mức “chiến đấu cao nhất”. Tuyên bố trên đưa ra chỉ một ngày sau khi Triều Tiên cho nổ văn phòng liên lạc chung ở khu công nghiệp chung Kaesong, sau nhiều lần cảnh báo sẽ đáp lại hành động thả truyền đơn chống Triều Tiên từ phía Hàn Quốc. Việc phá hủy văn phòng liên lạc chung đánh dấu một bước lùi mới nhất trong quan hệ liên Triều.
Cùng ngày, Triều Tiên thông báo đã từ chối lời đề nghị của Hàn Quốc về việc cử các đặc phái viên để làm dịu căng thẳng. Theo hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đề nghị gửi cố vấn an ninh quốc gia Chung Eui-yong và lãnh đạo tình báo Suh-hoon làm đặc phái viên nhưng bà Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đã thẳng thừng từ chối vì cho rằng đây là đề nghị không thiện chí.
Ngay sau tuyên bố của Triều Tiên, Bộ Thống nhất Hàn Quốc kêu gọi Bình Nhưỡng tránh làm leo thang căng thẳng. Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul, người chuyên giám sát cam kết với Triều Tiên, đã đề nghị từ chức. Ông Kim cho rằng, ông là người phải chịu trách nhiệm vì đã để quan hệ với Triều Tiên xấu đi. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc phát đi thông điệp cứng rắn với cảnh báo Triều Tiên sẽ phải trả giá nếu có hành động quân sự nhằm vào nước này.
Những diễn biến trên bán đảo Triều Tiên khiến cộng đồng thế giới không khỏi quan ngại. Nga và Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế, nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, trong khi Mỹ kêu gọi Triều Tiên kiềm chế các hành động khiêu khích. Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres kêu gọi nối lại đối thoại liên Triều nhằm đưa ra các giải pháp có lợi cho hòa bình và thịnh vượng đối với tất cả các bên.
Hành động cảnh báo
Việc bán đảo Triều Tiên đột ngột quay trở lại trạng thái căng thẳng đã dẫn đến câu hỏi, liệu quan hệ hai miền có bị đổ vỡ. Theo giới quan sát, động thái của Triều Tiên dường như muốn thu hút sự chú ý của dư luận thế giới, đặc biệt là Mỹ, trong bối cảnh nước này muốn ép buộc Triều Tiên phải nhượng bộ và thỏa hiệp, nhưng Triều Tiên không chấp nhận. Sự kiện hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ - Trung Quốc dự kiến diễn ra vào 17-6 cũng là một lý do. Nhiều khả năng, vấn đề Triều Tiên sẽ một lần nữa được đề cập tại hội nghị đối thoại giữa hai nước.
Tuần trước đánh dấu 2 năm kể từ hội nghị thượng đỉnh Singapore năm 2018, sự kiện lịch sử nơi lần đầu tiên lãnh đạo đương nhiệm Mỹ và Triều Tiên gặp mặt. Thế nhưng, sau 2 năm, các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng quay lại bế tắc. Chỉ còn chưa đầy 5 tháng sẽ tới bầu cử Tổng thống Mỹ, Bình Nhưỡng đã không còn nhiều thời gian tiếp tục đàm phán với ông Donald Trump, tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ chấp nhận gặp mặt lãnh đạo Triều Tiên.
Một diễn biến khác cũng gây lo ngại là việc Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Son-gwon tuyên bố, Bình Nhưỡng sẽ thúc đẩy việc phát triển các vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Nhấn mạnh tới việc Washington đang lờ đi cam kết trên, ông Ri Son-gwon khẳng định, Triều Tiên sẽ xây dựng một lực lượng đáng tin cậy hơn để đối phó với các mối đe dọa quân sự lâu dài từ Mỹ.