Mặc dù những ngày qua trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên xuất hiện mưa ở một số vùng, tuy nhiên lượng mưa thấp (phần lớn dưới 50mm) nên cơ bản chưa giải quyết được tình trạng thiếu nguồn nước tưới cho cây cà phê. Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, cho biết, hiện tại trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có 8.949ha cây trồng bị hạn, trong đó 3.176ha là cây lâu năm. Các hồ chứa nhỏ lượng nước dự trữ hiện còn khoảng dưới 35% dung tích thiết kế, trong đó có 64 hồ cạn khô; các hồ chứa vừa và lớn còn khoảng từ 40%-60% dung tích thiết kế, một số hồ lớn dưới 40% dung tích, như: hồ Ea Súp thượng, huyện Ea Súp (còn 26%); hồ Buôn Triết, huyện Lắk (còn 23%); hồ Buôn Hằng, huyện Krông Pắk (còn 23%).
Còn tại Đắk Nông, dự báo đến giữa tháng 4-2020, tình trạng hạn hán có khả năng diễn ra trên diện rộng, khoảng 17.068ha cây trồng các loại tại những khu vực ngoài phạm vi phục vụ của công trình thủy lợi bị thiếu nước, hạn hán. Tình trạng trên cũng xảy ra tại nhiều khu vực phía Nam của tỉnh Lâm Đồng; trong đó, cây cà phê chiếm diện tích lớn trong các loại cây trồng, bị tác động bởi khô hạn.
Để đối phó với tình trạng thiếu nước tưới, nhiều người dân đã phải đầu tư đào ao, khoan giếng. Tại những vùng có nguồn nước bề mặt, người dân mua đường ống sử dụng máy bơm công suất lớn để lấy nước về. Gia đình ông Bạch Xuân Mẫu (thôn Sơn Trung xã Đắk Gằn, tỉnh Đắk Nông) đã bỏ hơn 50 triệu đồng để múc ao, khoan giếng nhưng vẫn không có nước cứu vườn cà phê. Còn tại vùng cà phê bền vững ở xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, hiện Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cũng đang gấp rút xây dựng hệ thống đường ống ngầm cung cấp nước tưới cho cà phê tại đây.
Mực nước ngầm sụt giảm, nước bề mặt cũng đang hao hụt nhanh, chính vì vậy, nếu không có nguồn nước bổ sung tình trạng hạn hán sẽ gây thiệt hại cho người trồng cà phê; về lâu dài, tác động của việc thiếu nước tưới sẽ khiến cây bị suy kiệt, giảm năng suất.