Đến dự có các đồng chí: Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Mai Văn Chính, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Văn Được, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An; Nguyễn Đình Việt, Phó Cục Trưởng Cục Hàng hải Việt Nam; cùng đại diện các sở ban ngành.
Các đồng chí lãnh đạo thực hiện nghi thức hợp long 7 cầu cảng. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Tại lễ hợp long cầu cảng, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Dongtam Group, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Long An cho biết, chiều dài từ cầu cảng số 1 đến cầu cảng số 7 là 1.670 m.
Trong giai đoạn tiếp theo, Cảng quốc tế Long An thực hiện các thủ tục mở rộng quy mô 10 cầu cảng, trong đó có 1 cầu cảng chuyên khai thác hàng lỏng/khí hóa lỏng, 3 bến phao neo đậu tàu, một trung tâm đón tàu du lịch cỡ lớn, đón khách du lịch trong nước và quốc tế. Khi hoàn thành, cảng có chiều dài liên tục bờ cảng lớn nhất Việt Nam, 2.368 m và tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 100.000 DWT. Trong giai đoạn này, cảng đầu tư 6 thiết bị cẩu STS, 18 cẩu RTG được sản xuất, lắp ráp tại Nhật Bản.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 500 triệu USD, gồm: khu cảng, công trình kho bãi lên đến 1 triệu m².
Cảng quốc tế Long An hợp long 7 cầu cảng. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Theo ông Võ Quốc Thắng, Cảng quốc tế Long An đi vào khai thác, doanh nghiệp không còn phải vận chuyển nhiều lượt để đến những cảng xa hơn, giảm đáng kể chi phí logistics. Đặc biệt, khi Dự án Tàu buýt container đi vào hoạt động sẽ là đòn bẩy thu hút doanh nghiệp về ĐBSCL đầu tư.
Ông Võ Quốc Thắng cho biết, “Cảng quốc tế Long An sẽ tiếp tục đầu tư các hạng mục còn lại để khánh thành toàn Cảng quốc tế Long An vào tháng 6-2024”.
Khai trương cổng container tại Cảng quốc tế Long An. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Long An, Nguyễn Minh Lâm, trong chiến lược phát triển hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối của tỉnh với khu vực lân cận, nhằm tối ưu chi phí logistics cho các doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh Long An nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung, thì định hướng phát triển cảng Quốc tế Long An trở thành cảng biển tổng hợp, đa dạng dịch vụ khai thác, là hoàn toàn phù hợp. Sự ra đời của Cảng Quốc tế Long An đã góp phần giải quyết bài toán logistics và là một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế vùng ĐBSCL.
Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, “Tỉnh Long An đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển dịch vụ logistics thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, đưa Long An trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi kết nối các tỉnh thuộc vùng ĐBSCL với TPHCM, kết nối Đông Nam bộ và thị trường Campuchia. Để hướng đến mục tiêu tối ưu chi phí logistics, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa tỉnh Long An và khu vực, tỉnh Long An sẽ kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT đầu tư nạo vét luồng sông Soài Rạp, đảm bảo độ sâu dưới 11,5 m, để tàu 70.000 DWT có thể ra vào thuận lợi. Điều này sẽ góp phần thu hút doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào khu vực ĐBSCL trong thời gian tới”.
Cột cờ Cảng quốc tế Long An đón nhận Chứng nhận kỷ lục Việt Nam. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Dịp này, Cột cờ Cảng quốc tế Long An đón nhận chứng nhận kỷ lục Việt Nam đối với "Cột cờ Cao nhất Đông Dương". Cột cờ Cảng quốc tế Long An có thân trụ cao 63 m, đại diện cho 63 tỉnh, thành Việt Nam và lá cờ 54 m², đại diện 54 dân tộc anh em.