Bình quân, mỗi năm TPHCM tăng thêm 15.000 học sinh không có hộ khẩu tại thành phố. Trước bài toán quá tải sĩ số, mỗi đơn vị có một cách ứng phó riêng, nhưng về lâu dài vẫn cần thêm hướng dẫn từ các sở, ngành.
Đủ kiểu đối phó
Báo SGGP nhận được phản ánh của phụ huynh học sinh Trường THCS Hồng Bàng (quận 5) về việc “học sinh sẽ bị cắt suất bán trú, buộc chuyển ra lớp thường nếu vi phạm nội quy bán trú”.
Trao đổi với phóng viên, thầy Trần Đức Khanh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường không có khu vực dành riêng cho bán trú. Năm học 2018-2019, trường chỉ tổ chức bán trú đối với học sinh 2 khối 6 và 7, đáp ứng nhu cầu bán trú của hơn 20% học sinh toàn trường.
Ngoài ra, các lớp tăng cường tiếng Anh, lớp tiếng Anh tích hợp và song ngữ tiếng Pháp cũng được ưu tiên tổ chức bán trú vì đã dạy học 2 buổi/ngày”, thầy Trần Đức Khanh cho biết. Do đó, đối với các trường hợp học sinh không chấp hành quy định bán trú sẽ được xem xét, nhắc nhở, kết hợp trao đổi thêm với phụ huynh để tìm ra hình thức quản lý phù hợp, đồng thời bảo đảm quyền lợi chung cho tất cả học sinh.
Đây là một trong những ngôi trường có số lớp học thuộc hàng “khủng” trên địa bàn TP với 81 lớp, chia đều ở 4 khối 6, 7, 8 và 9.
Đồng cảnh ngộ, Trường Tiểu học Lê Văn Thọ (quận 12) năm học này có tổng quy mô hoạt động 90 lớp với hơn 4.500 học sinh. Đáng nói, vào thời điểm khánh thành (năm 2005), trường được xây dựng khang trang với mục tiêu trở thành một trong những trường đạt chuẩn quốc gia của TPHCM (không quá 30 lớp học, 100% học sinh đều được học 2 buổi/ngày…).
Đến nay, so với mục tiêu xây dựng ban đầu, số lớp học đã vượt chuẩn 3 lần, tỷ lệ học sinh bán trú giảm dần qua từng năm và hiện còn… 0%, một số phòng chức năng được chuyển đổi công năng thành phòng học. Một giáo viên dạy lớp 1 tại đây cho biết, năm học này sĩ số nhiều lớp đã vượt mốc 50 học sinh/lớp khiến giáo viên phải vất vả hơn khi đứng lớp.
Thầy cô phải giảng bài với âm lượng to hơn để học sinh ngồi bàn cuối cũng nghe thấy, thay thế các bài tập làm việc nhóm bằng thảo luận tại chỗ với bạn ngồi bên cạnh để hạn chế học sinh di chuyển trong lớp…
Trong khi đó, Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp) và Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3) áp dụng hình thức chia đôi tổng số học sinh toàn trường. Mỗi khi tổ chức lễ hội, trường phải tổ chức 2 lần vào các buổi sáng, chiều để đảm bảo tất cả học sinh đều được tham gia.
Tại quận Bình Tân, hiệu trưởng một trường tiểu học cho biết, hiệu trưởng và 2 phó hiệu trưởng không đủ thời gian dự giờ tất cả các lớp nên tổ trưởng chuyên môn đóng vai trò như một phó hiệu trưởng, giáo viên sau mỗi giờ tan học có thêm nhiệm vụ bàn giao học sinh cho các cơ sở giữ trẻ ngoài giờ, phòng bảo vệ xin tăng thêm người để đảm bảo trật tự, an ninh vào giờ cao điểm…
Chờ đợi một giải pháp căn cơ
Mới đây, tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giáo dục của Việt Nam và một số nước phát triển trên thế giới, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, thừa nhận nhiều trường học ở thành phố đang duy trì sĩ số 60 học sinh/lớp. Tuy đây chưa phải tình trạng phổ biến, nhưng đã phần nào báo động về sự quá tải trong tổ chức giảng dạy.
“Đầu năm học 2018-2019, chúng tôi đưa thêm vào sử dụng hơn 800 phòng học nhưng do số lượng học sinh tăng quá cao khiến áp lực trường, lớp vẫn rất lớn. Trước mắt, thành phố yêu cầu các quận, huyện đẩy mạnh đầu tư xây dựng trường, kết hợp thêm nhiều giải pháp dạy học linh động để đảm bảo chất lượng học tập của người dân”, đại diện Sở GD-ĐT cho biết.
Trưởng phòng GD-ĐT một quận vùng ven chia sẻ: “Nhiều trường làm đơn xin phòng giáo dục phân bổ thêm biên chế hiệu phó nhưng tôi chỉ biết “thở dài” vì nhân sự quản lý ở phòng giáo dục cũng thiếu. Tôi hiểu cái khó của các trường phải quản lý số học sinh bằng 2 trường cộng lại, nhưng chính phòng giáo dục cũng đang đau đầu với bài toán quản lý khi số lượng học sinh chạm mốc quy mô học sinh của một tỉnh, thành phố”.
Hiện nay, một số địa phương đang áp dụng biện pháp “chia tải” học sinh giữa các khu vực đông dân cư và khu vực có số dân cư ít hơn, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, các quận, huyện kiến nghị thành phố có thêm nhiều giải pháp căn cơ hơn về quy hoạch và phân bổ dân số, đặc biệt ở các khu vực cửa ngõ, có tỷ lệ dân nhập cư cao.
Hiện nay, đề xuất của UBND TPHCM về việc nâng giới hạn tầng cao đối với các công trình xây dựng trường học được kỳ vọng là một trong những giải pháp kéo giảm sĩ số học sinh, góp phần giảm tải áp lực cho các trường.
Song song đó, thành phố cần áp dụng thêm nhiều giải pháp như “mở cửa” hệ thống trường tư, đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng các hình thức học tập, quy định linh hoạt về thời lượng, chương trình giảng dạy… giúp người dân có thêm nhiều lựa chọn tiếp cận giáo dục.