* Quảng Ngãi: Hoàn thành sơ tán dân trước 17 giờ ngày 27-10
Bằng phương án “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, tỉnh Quảng Ngãi đang khẩn trương sơ tán dân đến nơi an toàn để tránh trú bão số 9, hoàn thành trước 17 giờ ngày 27-10. Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu người dân nếu không có việc cấp thiết thì tuyệt đối không ra khỏi nhà kể từ 22 giờ ngày 27-10.
Các địa phương trên tỉnh Quảng Ngãi đang tiến hành di dời dân đến nơi an toàn tránh trú bão.
Khoảng 500 hộ dân, 2.000 nhân khẩu xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã có mặt tại 2 địa điểm tránh trú bão số 9 là Trường dạy nghề Dung Quất và Khu nghỉ dưỡng Vạn Tường.
Ông Ngô Văn Dụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, đến thăm hỏi người dân đã vào nơi sơ tán. Ảnh: NGUYỄN TRANG Người già, phụ nữ, trẻ em đã di dời vào khu vực an toàn tại điểm trường xã Bình Hải, huyện Bình Sơn. Ảnh: NGUYỄN TRANG Đồng thời, khoảng 5.000 người dân tại khu vực nguy hiểm xã Bình Đông, huyện Bình Sơn đã được lực lượng phòng chống thiên tai đưa vào tránh trú tại ký túc xá của Hòa Phát Dung Quất.
Một dân quân đưa mẹ già đến nơi tránh trú xã Bình Đông, huyện Bình Sơn. Ảnh: NGUYỄN TRANG Người dân di dời vào nơi tránh trú tại ký túc xá trường dạy nghề Dung Quất. Ảnh: NGUYỄN TRANG UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ra hỏa tốc khẩn trương triển khai việc di dời dân ứng phó bão số 9. Lực lượng chức năng khẩn trương, tiếp tục tổ chức sơ tán, di dời dân những nơi có nguy cơ sạt lở, ngập sâu, trũng thấp, đặc biệt là nhân dân các khu vực sát biển, trên các lồng bè thủy sản, tàu thuyền đến nơi tránh trú an toàn. Kiên quyết di dời, sơ tán những hộ có người già yếu, không đảm bảo an toàn, đối với trường hợp không hợp tác thì thực hiện cưỡng chế nếu cần thiết.
Bộ đội Quảng Ngãi giúp dân Chuẩn bị công tác ứng phó bão số 9 Trong sáng 27-10, người dân các xã ven biển tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động chèn chống nhà cửa, neo trú tàu thuyền và chuẩn bị di dời. Trong khi đó, UBND các huyện đã tập trung toàn lực lượng giúp dân ứng phó bão số 9.
Từ sáng sớm 27-10, ông Phạm Duy Phúc, Trưởng thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi phát loa đi dọc bờ biển để vận động, kêu gọi người dân nhanh chóng chèn chống nhà cửa, di dời khẩn cấp đến nơi an toàn.
Từ sáng sớm, trưởng thôn Phạm Duy Phúc đi dọc bờ biển để phát loa vận động bà con thôn Phước Thiện di dời ngay trong chiều 27-10. Ảnh: NGỌC OAI “Với phương châm người già, trẻ nhỏ phải di dời trước, thanh niên đàn ông thì nhanh chóng chèn chống nhà cửa và di dời trước 17 giờ cùng ngày, không được ai ở lại làng biển khi bão đổ bộ”, ông Trưởng thôn Phước Thiện Phạm Duy Phúc cho biết.
Buổi sáng, vợ chồng bà Nguyễn Thị Hòa (49 tuổi, thôn Phước Thiện) ra bờ biển mang cát về chằng chống mái nhà của mình.
Người dân làng biển Phước Thiện huy động bao cát để chèn chống nhà cửa Bà Hoa nói: “Từ chiều 26-10, vợ chồng tôi đã đưa các con lên nơi cao ráo để trú ẩn, còn hai vợ chồng nán lại chằng chống kiên cố nhà cửa, dời tài sản lên cao thì mới dời đi”.
Trực tiếp đi vận động người dân di dời, Thiếu tá Nguyễn Đức Anh, Trưởng Công an xã Bình Hải cho biết, đơn vị huy động toàn bộ lực lượng 100% để hỗ trợ, vận động bà con phải di dời ngay trong chiều nay. Toàn xã Bình Hải sẽ di dời 300 hộ dân, trên 1.000 nhân khẩu.
“Đề nghị bà con chèn chống nhà cửa cẩn thận, tránh thương tích xảy ra. Trước khi ra khỏi nhà bà con lưu ý bảo quản tài sản, đề phòng kể gian, kẻ xấu lợi dụng trộm cắp tài sản, bà con lưu ý” - Thiếu tá Anh phát loa để kêu gọi bà con cảnh giác trước khi dời đi trú bão.
Trưởng Công an xã Bình Hải Nguyễn Đức Anh phát loa vận động bà con ven biển di dời khẩn cấp Lực lượng Công an xã Bình Hải hỗ trợ người dân chèn chống nhà của bằng bao cát Người già trẻ nhỏ được ưu tiên đến nơi trú ẩn an toàn trước Có mặt tại bãi biển thôn Phước Thiện, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Đỗ Khiết Khiêm chỉ đạo các lực lượng chức năng cần hỗ trợ di dời dân, thu xếp nơi tránh trú, ẩn nấp cho an toàn.
Nỗ lực huy động bao cát chèn chống nhà cửa, bảo vệ tài sản trước khi dời đi trú bão “Riêng 25.000 người dân ở vùng trũng vùng ngập sâu, sáng nay đã di dời được 30%. Hiện chúng tôi tiếp tục chỉ đạo vận động nhân dân đến nơi an toàn. Ngoài các nơi trú ẩn đã được trưng dụng, chúng tôi vận động thêm các nhà nghỉ, nhà ở kiên cố, công trình, trụ sở để dân trú ẩn”, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn nói.
Nhiều nhà dân ven biển thôn Phước Thiện đã bị gió bão làm hư hại nặng, người dân phải dời đồ đạc, tài sản và đi trốn bão số 9 Người dân ven biển Quảng Ngãi được dời đến nơi trú ẩn an toàn Trong khi đó, nghe bão số 9 đổ bộ, gia đình bà Bùi Thị Nguyệt (thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đã căng dây thừng ràng, chằng mái tôn của ngôi nhà cấp 4. Nhà bà Nguyệt nằm sát mép biển, một trong những hộ thường xuyên bị ảnh hưởng trực tiếp bởi triều cường.
Bà Nguyệt cho biết: “Mỗi lần bão là biển động dữ dội, sóng biển có thể xâm thực 4-5m vào tận mép nhà. Cứ nghe bão là bà con ở đây đều chèn chống nhà cửa, rồi khiêng hết thiết bị điện tử qua gửi nhà cao hơn, còn gia đình con cái thì vào chỗ trú ẩn mà UBND xã sắp xếp”.
Sóng biển phá hủy, ăn sâu vào móng nhà dân. Trước bão số 9, người dân thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã phải kè chống sóng bằng đá và bao cát để bảo vệ căn nhà. Ảnh: NGUYỄN TRANG Ở cạnh mép biển, ông Trần Ngọc Ánh (thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) đã kè phía sau nhà bằng đá và bao cát, ông kiên cố bằng dây neo để giữ đá không bị sóng đánh trôi. Ông Ánh nói: “Nhà tôi và nhà bên cạnh đã tự kè bằng đá để chắn sóng, chứ không thì cả dãy nhà sau đều ăn mòn vào móng nhà”. Có nhà đã phải tự kè bằng đá vì sóng đã đánh mòn cả móng chiều dài 20m.
Nhà ông Trần Ngọc Ánh (thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) đang gia cố thêm dây thừng để chống sóng biển cuốn đá và bao cát. Ảnh: NGUYỄN TRANG Ông Dương Đức Hạnh (thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) đã chuẩn bị sẵn mì tôm, nước uống và lương thực để đi di dời. Ông Hạnh nói: “Ở chỗ thấp thì nước, cao thì gió, nên chúng tôi phải sơ tán, không ai dám ở lại”.
Trong khi đó, các hộ dân tại khác thì lấy cát cho vào bao để gia cố, chèn chống nhà cửa, mái tôn;...
Ảnh: NGUYỄN TRANG Thêm cát vào bao để chèn mái tôn tại xã Bình Hải, huyện Bình Sơn. Ảnh: NGUYỄN TRANG Ảnh: NGUYỄN TRANG Ông Phạm Cầu, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải, cho biết: “Địa phương đang di dời hơn 500 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu vào 2 địa điểm tránh trú bão số 9 là trường dạy nghề Dung Quất và nhà nghỉ dưỡng Vạn Tường. Hiện tại, chúng tôi đã tuyên truyền người dân nhanh chóng chằng chống nhà cửa, thông báo sơ tán dân trước 5 giờ chiều nay, toàn bộ các hộ được yêu cầu di dời phải vào 2 địa điểm trên”.
Đến sáng 27-10, toàn bộ 204 chiếc thuyền, 750 chiếc thúng xã Bình Hải đã vào neo đậu, những chiếc thúng được kéo lên bờ và cột vào rừng dương để giữ an toàn.
Ngư dân xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, đã đưa tàu thuyền vào cột vào những cây dương. Ảnh: NGUYỄN TRANG UBND xã Bình Hải, Bộ đội Biên phòng Bình Hải nhắc nhở ngư dân đảm bảo an toàn thuyền thúng. Ảnh: NGUYỄN TRANG Người dân neo đậu tàu thuyền để tránh bão số 9. Ảnh: NGUYỄN TRANG Ông Ngô Văn Dụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, cho biết: “Toàn huyện tiến hành di dời, sơ tán dân các xã ven biển, các vùng thấp trũng dễ ngập lụt. Hiện nay, huyện Bình Sơn có 1.224 tàu cá/ 11.735 lao động đã vào các khu vực tránh trú bão số 9”.
Công tác di dời dân ứng phó bão số 9, di dời đến các điểm trường học, UBND xã, Trạm Y tế, Nhà nghỉ, khách sạn, doanh nghiệp, công ty, nhà máy, nhà cộng đồng… số lượng di dời lên đến 19.000 hộ với hơn 72.700 nhân khẩu. Ngoài ra, huyện cũng vừa di dời xen ghép tại chỗ đến các nhà cao tầng kiên cố khoảng 5.500 hộ, hơn 20.700 nhân khẩu.
Ông Dụng cho biết thêm: “Tại các điểm di dời tập trung, Ban phòng chống thiên tai của các xã phải chuẩn bị lương thực, mì tôm, nước uống, đảm bảo di dời dân đến nơi tránh trú”.
Ông Ngô Văn Dụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn (bên phải) kiểm tra nơi trú ẩn dành cho người dân ven biển xã Bình Hải. Ảnh: NGUYỄN TRANG Nơi trú bão số 9 dành cho người dân xã Bình Hải là tại Nhà nghỉ dưỡng Vạn Tường. Ảnh: NGUYỄN TRANG Đại úy Phan Tấn Ba, Đồn Biên phòng Bình Hải, cho biết: “Đồn Biên phòng đã triển khai lực lượng hỗ trợ người dân tại 3 xã là Bình Hải, Bình Tân Phú, Bình Châu. Các lực lượng vận động, giúp đỡ người dân trong quá trình sơ tán, hướng dẫn tàu thuyền”.
Kêu gọi người dân vùng ven biển chèn chống nhà cửa, khẩn trương di dời dân. Ảnh: NGUYỄN TRANG Đối với huyện Mộ Đức, theo phương án sẽ có trên 7.700 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 9 phải di dời. Trong đó, di dời tại chỗ là trên 3.500 hộ tương ứng với 13.242 khẩu, di dời sơ tán là trên 4.200 hộ tương ứng với 16.366 khẩu.
Huyện Mộ Đức ưu tiên bố trí xen ghép và sơ tán tập trung tại trụ sở UBND xã, trường học, Trạm y tế, các nhà an toàn và các trụ sở trên địa bàn.
>>>Một số hình ảnh người dân ven biển Bình Hải chạy bão số 9:
Cụ bà làng biển Phước Thiện lo lắng trước cơn bão mạnh đang đổ bộ Lực lượng chức năng cắt cây xanh tránh gió bão xô sập nhà cửa của người dân tại Quảng Ngãi.
* Bình Định: Huy động mọi nguồn lực để chống bão số 9
Trước dự báo cơn bão số 9 với cường độ mạnh đổ bộ vào đất liền trong ngày 28-10, tỉnh Bình Định đã cho dừng tất cả các cuộc họp, huy động mọi nguồn lực để lo công tác phòng chống bão.
Ngày 27-10, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo dừng hết tất cả mọi cuộc họp để tập trung ứng phó với cơn bão số 9, với quyết tâm đảm bảo an toàn cho người dân.
Trong sáng 27-10, Chủ tịch và 3 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chia ra để dẫn đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống cơn bão số 9. Lãnh đạo tỉnh Bình Định kêu gọi người dân, chính quyền các địa phương không được một phút lơ là đối với cơn bão số 9 đang được dự báo có cường độ rất mạnh.
Bình Định triệu tập cuộc họp khẩn để chỉ đạo công tác phòng chống mưa bão từ chiều 26-10 Theo đại diện Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Định, bão số 9 đổ bộ vào đất liền đúng thời điểm vùng ven biển Bình Định có thủy triều ở mức cao, nên sẽ tăng thêm cấp độ nguy hiểm.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, từ chiều 26-10 địa phương đã ban bố lệnh cấm biển. Đến chiều nay 27-10, Bình Định sẽ cho tất cả học sinh trên địa bàn tỉnh nghỉ học để phòng chống bão.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bình Định cho biết, hiện có trên 15.300 hộ dân với gần 65.000 nhân khẩu của địa phương đang trong khu vực nguy hiểm, cần được sơ tán trước khi bão đổ bộ.
Theo ông Hồ Quốc Dũng, hiện địa phương có 30 hồ chứa đang xuống cấp, hư hỏng, trong đó có 15 hồ hư hỏng nặng, mất an toàn cần có phương án hiệu quả để bảo vệ tránh những rủi ro tạo lũ kép.
Ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cần cơ động hiệp đồng với các lực lượng của Bộ, Quân khu 5 để ứng phó với các sự cố thiên tai, bão lũ.
Đặc biệt, trong công tác cứu hộ, cứu nạn phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các lực lượng tham gia giúp dân khắc phục các hậu quả của thiên tai, mưa bão…
Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định thông báo cho các ngư dân neo trú tàu thuyền đảm bảo khoảng cách, an toàn trước khi bão đổ bộ. Ảnh: CÔNG CƯỜNG Theo Bộ CHQS tỉnh Bình Định, đơn vị đã huy động sẵn sàng 1.912 chiến sĩ cùng 29 ô tô các loại; 2 xe đặc chủng; 21 tàu ST-660 và ST 450; 4 chiếc xuồng; 165 nhà bạt; 3.675 áo phao các loại và nhiều vật dụng khác để phục vụ cho công tác phòng chống bão số 9.
Bộ Quốc phòng cũng đã có cam kết sẽ chi viện cho Bình Định 4.000 quân và trang thiết bị để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn trong mưa bão, thiên tai.
Hiện, Bình Định vẫn còn 210ha lúa mùa đã chín nhưng chưa thể thu hoạch được và 4.122ha lúa gieo khô đang trong thời gian trổ đòng và hàng ngàn ha nuôi trồng thủy sản đang có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão số 9.
Đến ngày 27-10, BĐBP tỉnh Bình Định duy trì lực lượng thường trực gồm: 100% quân số tại cơ quan Bộ Chỉ huy, các đồn và hải đội; phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng thành viên trong Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn của BĐBP tỉnh và các đơn vị. Cùng với đó, BĐBP Bình Định yêu cầu các đơn vị thực hiện phương châm "4 tại chỗ", huy động 3 tàu, 5 ca nô, trực sẵn sàng khi có lệnh, mở đài canh 24/24 để tiếp nhận thông tin, kiểm soát tàu thuyền, hướng dẫn các chủ phương tiện tránh trú hoặc không đi vào vùng nguy hiểm của bão. CÔNG CƯỜNG |
Huế dốc sức phòng bão số 9
Sáng 27-10, Công an thành phố Huế huy động tối đa lực lượng hành quân về các khu dân cư, vùng xung yếu triển khai các phương án ứng phó với bão số 9 với phương châm "3 sẵn sàng" gồm: phòng ngừa; ứng phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và hiệu quả.
Cảnh sát giao thông hướng dẫn các chủ tàu thuyền trồng neo đậu tránh bão số 9 tại những địa điểm khuất gió trên sông Hương Ngoài việc tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở đến các chủ tàu thuyền neo đậu tại sông Hương, công an còn cùng các hộ gần sông, vùng thấp trũng sẵn sàng các phương án phòng, chống bão hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Đồng thời tham mưu, phối hợp với các cơ quan ban ngành rà soát các hộ dân trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng cao và chuẩn bị các phương án sơ tán, di dời khi cần thiết.
Công an các đội nghiệp vụ, công an các phường triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm lợi dụng mưa bão để gây án, không để phát sinh phức tạp về an ninh trật tự. Đồng thời, phân công lực lượng đảm bảo an toàn giao thông tại các giao lộ trọng điểm xảy ra ngập lụt; đảm bảo an toàn tuyệt đối các công trình, mục tiêu trọng điểm của nhà nước và tính mạng, tài sản của người dân. Hiện đơn vị đã thành lập 1 Trung đội phản ứng nhanh để ứng phó các tình huống xấu do bão gây ra.
Công an TP Huế giúp người dân triển khai các biện pháp phòng chống bão số 9
Sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, sẽ yêu cầu người dân không được ra đường từ 21 giờ tối nay 27-10 hoặc có thể sớm hơn nếu bão di chuyển nhanh; ngoại trừ lực lượng chức năng làm nhiệm vụ chống bão. Lệnh cấm này sẽ duy trì đến khi bão số 9 tan.
Trong khi đó, công nhân tại các xí nghiệp cũng sẽ được yêu cầu không đổi ca trong thời gian này. Trong trường hợp cần thiết sẽ ở lại xí nghiệp, nơi an toàn để tránh trú bão; hoặc có phương án phù hợp đảm bảo an toàn cho công nhân...
NGỌC OAI - NGUYỄN TRANG - VĂN THẮNG