Đưa công nghệ vào tuần tra
Lâm trường Đắk Ruồng (thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy) hiện quản lý hơn 13.900ha rừng ở 2 xã Đắk Tờ Lùng và Đắk Côi (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum). Những ngày này, 19 nhân sự của lâm trường căng sức tuần tra cả ngày lẫn đêm.
Đang cùng nhóm 5 nhân viên đi tuần tra, phòng chống cháy ở khu rừng thông tại thôn 2 xã Đắk Côi, ông Giáp Văn Thạch, Giám đốc lâm trường cho biết: “Cảnh báo cấp cháy rừng trên lâm phần quản lý đang ở cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Vì thế, công tác phòng cháy rừng đang được lâm trường đặt lên hàng đầu. Chúng tôi cắt cử anh em đi tuần liên tục, cả ngày đêm. Lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng cũng được điều động tham gia đi kiểm tra phòng cháy. Địa bàn sâu, khó đi, đơn vị sử dụng flycam để bay kiểm soát. Nhờ đó, đến nay trên lâm phần đơn vị quản lý chưa xảy ra cháy rừng”.
Vườn quốc gia Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) cũng đang căng sức bảo vệ hơn 56.000ha rừng trước nguy cơ “giặc lửa” tấn công. 74 nhân viên bảo vệ rừng đều được huy động đi tuần tra, phòng cháy rừng. Giám đốc Vườn quốc gia Chư Mom Ray Đào Xuân Thủy cũng đi địa bàn, túc trực cùng ăn ở với các trạm để chỉ đạo kịp thời.
“Vườn đã yêu cầu các hộ dân có rẫy canh tác sát lâm phần quản lý ký cam kết bảo vệ rừng, không được đốt rừng. Quan trọng hơn, ngoài tuần tra thông thường, chúng tôi sử dụng công nghệ, máy móc hiện đại để tham gia phòng cháy rừng, trong đó dùng 2 flycam để tuần tra, kiểm soát các khu rừng có nguy cơ cháy cao. Rất may đến lúc này, lâm phần của đơn vị chưa xảy ra cháy”, ông Thủy nói.
Tại Vườn quốc gia Yok Đôn (tỉnh Đắk Lắk), nhân viên bảo vệ rừng đang bám chốt tại các lán để bảo vệ hơn 115.000ha rừng. Giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn Phạm Tuấn Linh cho biết, đơn vị đã phát dọn trên 120km đường băng cản lửa tại các khu vực vùng đệm, khu vực có nguy cơ cháy rừng cao, đóng hàng trăm biển cảnh báo. Ngoài ra, 17 đội xung kích đã được thành lập để thực hiện nhiệm vụ theo dõi, kiểm soát.
Nhiều lực lượng phối hợp
Ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum) cho biết, diện tích rừng trên địa bàn là hơn 60.000ha. Xác định phòng cháy rừng là nhiệm vụ quan trọng nên ngay đầu mùa khô, UBND huyện đã chỉ đạo các chủ rừng rà soát các hộ dân có diện tích sản xuất gần rừng để ký cam kết sản xuất nương rẫy không ảnh hưởng diện tích rừng liền kề. Bên cạnh đó, huyện cũng yêu cầu các đơn vị cử người túc trực 24/24 giờ trong cao điểm mùa khô, yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện chuẩn bị dụng cụ chữa cháy rừng, sẵn sàng lực lượng để tham gia dập tắt lửa kịp thời.
UBND tỉnh Kon Tum cũng đã chỉ thị các địa phương rà soát, tu sửa hoặc làm mới đường băng cản lửa và có phương án phòng cháy, chữa cháy rừng phù hợp với từng khu vực; trường hợp đám cháy vượt khả năng kiểm soát thì báo về cấp có thẩm quyền để huy động lực lượng tham gia khống chế và dập tắt trong thời gian sớm nhất. UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; xem xét kiểm điểm trách nhiệm đối với từng tổ chức, cá nhân trực thuộc khi để xảy ra các vụ phá rừng, cháy rừng trên địa bàn; yêu cầu Công an tỉnh phối hợp với kiểm lâm trong việc phòng cháy rừng.
Theo Chi cục Kiểm lâm vùng IV (Cục Kiểm lâm), đơn vị đã yêu cầu chi cục kiểm lâm 11 tỉnh, thành phố, trong đó có 5 tỉnh Tây Nguyên phối hợp với ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát các chủ rừng thực hiện nghiêm công tác phòng cháy rừng. Bên cạnh đó, tại các vùng có nguy cơ cháy cao, cần phải bố trí lực lượng ứng trực; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, đặc biệt là xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu tổ chức là chủ rừng trong phạm vi, quyền hạn của mình mà không có biện phá bảo vệ rừng, phòng cháy rừng và khi có cháy không tổ chức ứng chữa kịp thời.
Nguy cơ cháy rừng ở ĐBSCL tăng caoGiám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau) Trần Ngọc Thảo cho biết, hiện có trên 6.320/18.817ha đất lâm nghiệp do công ty quản lý chuyển sang cấp dự báo cháy cao. Với nắng nóng gay gắt như hiện nay, không lâu nhiều diện tích rừng sẽ chuyển sang cấp cháy nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm. “Hiện đơn vị đã triển khai 15/18 tổ máy xuống địa bàn trực phòng chống cháy rừng. Bên cạnh đó, các liên tiểu khu triển khai ký cam kết phòng chống cháy rừng cho hơn 2.620 hộ dân nhận khoán và đối tác hợp tác đầu tư; triển khai cắm 15 bảng dự báo cháy rừng và 100 bảng cấm lửa và khu vực dễ cháy trên toàn lâm phần nhằm nâng cao ý thức cộng đồng”, ông Thảo thông tin. Còn tại Kiên Giang, đến thời điểm hiện nay có khoảng 5.000/9.000ha rừng của Vườn quốc gia U Minh Thượng bị khô cạn. Trong đó, có khoảng gần 2.000ha rừng đang dự báo ở cấp cháy cao. Vườn quốc gia U Minh Thượng đã bố trí nhiều tổ máy bơm cùng lực lượng về ứng trực tại những khu vực có nguy cơ cháy cao. Triển khai các biện pháp phòng chống cháy rừng, hợp đồng thêm lực lượng để tăng cường cho những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, trên địa bàn có hơn 13.160ha đất rừng phòng hộ và đặc dụng tại các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn và TP Châu Đốc. Để chủ động trong phòng chống cháy rừng kịp thời, hiệu quả, tỉnh An Giang đã duy trì hoạt động của 17 tổ hợp tác bảo vệ và phát triển rừng. Sẵn sàng huy động đến 2.500 người làm nhiệm vụ chữa cháy rừng vùng đồi núi. Khi nguy cơ cháy rừng tăng cao, lực lượng kiểm lâm ứng trực 24/24 giờ nhằm bảo đảm an toàn, không để xảy ra cháy rừng. TẤN THÁI |