Càng khó khăn, người thợ giỏi càng phải sáng tạo

Từ niềm đam mê học hỏi, tìm tòi sáng tạo cũng như trăn trở với những khó khăn, vướng mắc trong công việc, các tấm gương tiêu biểu đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ 24, năm 2024 đã thực hiện nhiều công trình mang dấu ấn của bản thân bằng chính năng lực, sự sáng tạo của mình.

Bắt máy móc “nghe” theo

Ở Công ty TNHH Intel Products Việt Nam, anh Cao Minh Chánh (kỹ sư điện tử truyền thông) được đồng nghiệp gọi thân mật là “Bậc thầy về máy móc”. Anh cũng thường xuyên được cấp trên tin tưởng, cử đi tập huấn về máy mới, chuyển giao công nghệ sản phẩm mới về Việt Nam. Xuyên suốt quá trình làm việc tại doanh nghiệp, bằng nhiệt huyết của người trẻ, anh Chánh đã có nhiều đóng góp tích cực trong phong trào thi đua lao động sáng tạo, nổi bật là dự án “Tối ưu hóa năng suất máy sản xuất”.

Anh6-Anh Cao Minh Chánh.jpg
Anh Cao Minh Chánh

Theo anh Chánh, dự án này bắt nguồn từ nhu cầu đáp ứng yêu cầu sản xuất ngày càng tăng nhưng không đầu tư mua sắm thêm thiết bị mới. “Chúng tôi đặt mục tiêu tối ưu hóa hiệu suất của những máy móc đã có sẵn bằng cách thực hiện một loạt cải tiến kỹ thuật. Những cải tiến này bao gồm tăng tốc độ băng tải của dây chuyền sản xuất, thay đổi vật liệu của đầu gắp để giảm tần suất lỗi, cải tiến kiểm tra quang học tự động và giới thiệu một bộ nạp ống đơn để tách biệt các sản phẩm lỗi tự động”, anh Chánh giới thiệu.

Quá trình triển khai dự án kéo dài hơn 3 tháng, từ khâu lên ý tưởng, phân tích dữ liệu, thiết kế, thử nghiệm cho đến khi áp dụng thành công. Kết quả là năng suất sản xuất tăng 20%-30%. Nhờ đó, nhà máy đã có thể đáp ứng mục tiêu sản xuất mà không cần đầu tư thêm vào thiết bị, giúp tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể. Niềm hạnh phúc của chàng kỹ sư trẻ nhân lên khi dự án không chỉ được triển khai rộng rãi trong toàn công ty, mà còn được ghi nhận xứng đáng bằng giải thưởng danh giá ở cấp độ tập đoàn trên toàn cầu.

Cũng là người có nhiều đóng góp tích cực trong phong trào thi đua lao động sáng tạo tại đơn vị, anh Nguyễn Văn Trung, Giám đốc sản xuất kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty Jabil Việt Nam (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TPHCM), tâm đắc nhất là dự án “Cải tiến năng suất lao động và giảm tỷ lệ tiêu hủy hàng lỗi của sản phẩm” vào năm 2021.

Anh3-Anh Nguyễn Văn Trung.jpg
Anh Nguyễn Văn Trung

Chia sẻ về dự án này, anh Trung cho biết, việc phục hồi sản xuất hậu Covid-19 là một bài toán cực kỳ cấp bách cho doanh nghiệp. Cùng thời điểm đó, đơn hàng lại tăng nhiều lần so với năng lực sản xuất. Dù sử dụng nguồn lực tối đa nhưng công ty vẫn chưa thể đáp ứng đủ yêu cầu của khách hàng. Trăn trở trước thực tế trên, anh Trung và đồng nghiệp nghiên cứu cải tiến quy trình để vừa nâng cao năng lực sản xuất, vừa giảm tỷ lệ hàng thành phẩm bị hư hại.

Dự án “Cải tiến năng suất lao động và giảm tỷ lệ tiêu hủy hàng lỗi của sản phẩm” ra đời đã giúp loại bỏ thao tác thừa lãng phí, cân bằng tỷ lệ giữa các công đoạn sản xuất, cung cấp các giải pháp để giảm tỷ lệ hàng lỗi. Kết quả, năng suất lao động tăng 50% ở một số công đoạn và giảm tỷ lệ tiêu hủy hàng lỗi 50%, giúp làm lợi cho đơn vị mỗi năm vài tỷ đồng. Đây cũng là một trong những sáng kiến được cử đi dự thi cấp toàn cầu trong tập đoàn.

Không bế tắc trước khó khăn

Mỗi cá nhân được trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng đều là những người say nghề, đam mê cải tiến. Anh Nguyễn Quang Duy Lâm, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam, cũng vậy. Là giám đốc sản xuất, với 20 năm kinh nghiệm ở lĩnh vực này, mỗi năm anh Lâm đều có nhiều cải tiến, sáng kiến được áp dụng rộng rãi tại nhiều nhà máy của công ty. Anh cũng được ban giám đốc tin tưởng, giao nhiệm vụ triển khai ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất của toàn bộ nhà máy tại TPHCM, Hà Nội, Tiền Giang, Ấn Độ, Thái Lan…

Anh4-Anh Nguyễn Quang Duy Lâm trao đổi công việc với nhân viên.jpg
Anh Nguyễn Quang Duy Lâm (bên trái) trao đổi công việc với nhân viên

Theo anh Lâm, trước và sau khi sản xuất sản phẩm, rất nhiều nội dung phải ghi chép lại; đặc biệt, khi có thông tin than phiền từ khách hàng hoặc phát sinh bất thường thì phải tiến hành điều tra dữ liệu. Để thống kê dữ liệu đó và có kết quả báo cáo đến khách hàng phải mất rất nhiều thời gian, có khi 1 tuần hoặc lâu hơn. Nhìn thấy khó khăn trên, anh nghiên cứu để đưa ra sáng kiến “Điện tử hóa việc nhập dữ liệu thao tác phối trộn keo và phối trộn gôm, bằng ứng dụng QR code”, với mục tiêu hỗ trợ người thao tác hạn chế sai sót trong quá trình thực hiện hoặc nếu có phát sinh sai sót cũng dễ dàng phát hiện ra. Hơn 6 tháng xây dựng, thử nghiệm nhiều lần, sáng kiến của anh đã hoàn thiện và được ứng dụng vào thực tiễn. Nhờ đó, người thao tác không phải dùng giấy bút để ghi lại từng dữ liệu mà sẽ nhập vào iPad nhằm xây dựng dữ liệu nguồn; đồng thời ứng dụng mã QR đặt nguyên liệu đầu vào, nếu sai nguyên liệu cấu thành của sản phẩm thì phần mềm sẽ báo, người thao tác sẽ biết có sai sót để điều chỉnh. Với sáng kiến này, khi khách hàng báo lỗi, nhân viên chỉ mất 30 giây tìm dữ liệu, thay vì cả tuần như trước đây.

Anh2-Anh Vũ 1.jpg
Anh Trần Đình Vũ

Cũng luôn trăn trở trước những khó khăn của đơn vị, anh Trần Đình Vũ, nhân viên Marketing, Xí nghiệp Bao bì Liksin, nghĩ rằng càng trong hoàn cảnh khó khăn thì càng phải tư duy sáng tạo. Là người trưởng thành ở đơn vị được xem là cái nôi đào tạo thợ giỏi, từng có nhiều cá nhân đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng, anh Vũ cũng đặt ra mục tiêu để phấn đấu. Nhờ tính ham học hỏi, kỹ sư trẻ Trần Đình Vũ sớm sở hữu “gia tài” gồm hơn 40 sáng kiến có giá trị. Với xu hướng phát triển và sử dụng bao bì có thể tái chế, năm 2021, anh Vũ đã nghiên cứu, thử nghiệm và đưa vào sản xuất bao bì tái chế. Trong đó, ý tưởng phát triển kiểu túi đáy đứng cho vật liệu PE/PE (có thể tái chế) năm 2023 đã đem lại lợi nhuận 1 tỷ đồng/năm và tăng theo từng năm cho đơn vị. Sáng kiến của anh cũng được đơn vị đánh giá phù hợp thị hiếu, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.

Trong 15 gương tiêu biểu đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ 24 còn có anh Đỗ Thành Trung, Trưởng Phòng Cải tiến Quy trình Sản xuất (Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex); PGS-TS Lê Quang Luân, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM. Đây là những cá nhân đã dành tâm huyết nghiên cứu, mày mò để chế tạo các công cụ giúp máy móc hoạt động tốt hơn, năng suất tăng cao hơn, đưa ra các đề tài có tính ứng dụng cao trong cuộc sống. Họ cũng là những người vô cùng nhiệt huyết với công việc và đào tạo thế hệ trẻ kế cận. Với họ, trong khó khăn luôn có cách giải quyết; và họ đã chứng minh điều ấy khi cho ra đời các ý tưởng, sáng kiến để giúp công việc, cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Tin cùng chuyên mục