Theo một chuyên gia, các trại đã tiêu hủy heo ngay khu vực nuôi phải cần ít nhất 3 năm, nhưng nhiều nông dân chỉ vài tháng đã tranh thủ nuôi heo lại, thay vì cần chuyển sang nuôi con vật khác. Cùng với đó, hệ thống thú y cơ sở không còn, mạng lưới thú y cơ sở mỏng, yếu nên khi xảy ra dịch không thể phòng, chống kịp thời.
Để tránh dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên diện rộng, bảo đảm nguồn cung thực phẩm, an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán, Bộ NN-PTNT vừa có công văn đề nghị chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo sở, ngành, địa phương tập trung nguồn lực triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, giải pháp hiệu quả nhất là các trại cần thực hiện tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học như thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi, có biện pháp ngăn chặn các loại côn trùng truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi. Song song đó, cơ quan chuyên môn phun thuốc những nơi có mật độ chăn nuôi cao, các điểm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật. Các mô hình chăn nuôi cần tiêm ngừa vắc xin đầy đủ, không được bỏ bất kỳ giai đoạn nào.
Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, trong tương lai, Bộ NN-PTNT cần hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức xây dựng và thực hiện các đề án về vùng, chuỗi sản xuất theo tiêu chuẩn của Tổ chức Sức khỏe động vật thế giới để hướng tới xuất khẩu.