- PHÓNG VIÊN: Ông đánh giá như thế nào về những thông tin mà Báo SGGP phản ánh qua loạt bài Loạn “thần y”?
Ông NGUYỄN NGỌC TUẤN: Cục Quản lý Y dược cổ truyền rất đồng ý với những nội dung, quan điểm mà Báo SGGP đưa ra trong loạt bài về Loạn “thần y”. Tình trạng một số người tự xưng là “thần y” hay tự nhận chữa khỏi bệnh nọ, bệnh kia cũng xuất hiện ở một số địa phương và có những quảng cáo thái quá, không đúng sự thật nhằm trục lợi, thậm chí có tính chất lừa đảo.
Trước tình trạng trên, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, chúng tôi đã phối hợp với các vụ, cục chức năng triển khai nhiều vấn đề liên quan tới công tác quản lý nhà nước về y học cổ truyền tại các địa phương. Hiện nay, quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn được chia làm 4 cấp, từ cấp xã tới Trung ương. Trong đó, UBND và trạm y tế xã là đơn vị quản lý hành nghề y tế trên địa bàn, đối với cấp huyện là phòng y tế. Mặc dù việc quản lý nhà nước về y tế đã được phân cấp rõ ràng nhưng vẫn còn tình trạng hành nghề sai phép, không đúng như Báo SGGP đã phản ánh. Sau khi có sự chỉ đạo, chính quyền và Sở Y tế nhiều địa phương đã vào cuộc kiểm tra, xử lý nhưng thực tế vẫn còn một số nơi chưa thực sự kiên quyết, chưa có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan chức năng để xử lý dứt điểm các vi phạm.
- Theo ông, để tình trạng loạn “thần y” bùng phát tại nhiều tỉnh thành, trách nhiệm chính thuộc về đâu?
Thực sự chính quyền, cơ quan chức năng ở địa phương cũng rất sát sao nhưng phải khẳng định rằng, những người hành nghề y dược cổ truyền trái phép, hay những người tự xưng là “thần y” cũng có rất nhiều chiêu trò, thủ đoạn để thực hiện được các hành vi sai trái. Có nơi chính quyền địa phương vừa dẹp xong thì họ lại tới nơi khác, tổ chức hành nghề lén lút, hay biến tướng bằng các hình thức khác nhau, gây khó khăn cho cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta đã có Nghị định 117 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế với các mức xử phạt có tính chất răn đe. Nhưng, có lẽ mức phạt chưa đủ nặng để những người hành nghề trái phép sợ bởi lợi nhuận thu được cao hơn mức xử phạt. Vì thế, chúng ta cần nghiên cứu để có mức xử lý nghiêm khắc hơn; không chỉ có xử phạt hành chính mà cần nâng lên về hình sự đối với những người cố tình vi phạm, lừa đảo, gây thiệt hại về vật chất, sức khỏe và tính mạng của người bệnh, làm người bệnh mất đi cơ hội điều trị.
- Với hệ thống văn bản pháp luật và quy định hiện có, chúng ta đang gặp vướng mắc, khó khăn gì về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực y dược cổ truyền tư nhân, thưa ông?
Về quản lý nhà nước, hiện nay hành lang pháp lý quản lý khám chữa bệnh y dược cổ truyền và thuốc y dược cổ truyền tương đối đầy đủ và chặt chẽ. Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận, y học cổ truyền khác với y học hiện đại. Y học cổ truyền có lịch sử lâu đời hàng ngàn năm, trở thành nét văn hóa của dân tộc và niềm tự hào của đất nước. Danh y Tuệ Tĩnh đã có câu nói rất bất hủ “Nam dược trị nam nhân”. Nghĩa là, từ những cây cỏ trong thiên nhiên chúng ta có thể tìm thấy được các vị thuốc, bài thuốc chữa bệnh. Chính vì nét văn hóa đó mà một số đối tượng đã lợi dụng lòng tin của người dân để quảng cáo, thổi phồng quá mức khả năng chữa bệnh của bản thân cũng như một số loại thuốc y học cổ truyền không rõ nguồn gốc nhằm trục lợi, gây ra tình trạng rối ren trong hành nghề y học cổ truyền hiện nay.
- Sau loạt bài Loạn “thần y” và nhất là sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tới đây Bộ Y tế sẽ có động thái như thế nào để chấn chỉnh và xử lý tình trạng trên?
Sau khi có công văn của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu xem xét, xử lý các nội dung mà báo đã phản ánh, chúng tôi đã chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát, nếu có dấu hiệu bất thường, vi phạm phải đình chỉ hoạt động, xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang gặp khó khăn trong việc xử lý các quảng cáo tuyên truyền liên quan những phương pháp chữa bệnh không có cơ sở khoa học, một số loại thuốc không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội, YouTube. Do vậy, cục đã có buổi họp cùng với các đơn vị chức năng của Bộ Y tế để có phương án giải quyết dứt điểm vấn đề “thần y” trên mạng xã hội, YouTube. Song, để xử lý dứt điểm vấn nạn này không chỉ có ngành y tế mà rất cần sự phối hợp hỗ trợ tích cực của các đơn vị chức năng thuộc Bộ TT-TT, Bộ Công an cùng một số bộ, ngành chức năng khác.
- Xin cảm ơn ông!