Theo Viện trưởng VEPR, mặc dù đã có nhiều cải cách tích cực, thực trạng hệ thống thuế hiện nay của Việt Nam còn phức tạp, chưa tương đồng với các nước trên thế giới. Một số sắc thuế còn khá cao, kém cạnh tranh, trong khi một số sắc thuế khác lại chưa có; cấu trúc thu ngân sách kém bền vững; tình trạng trốn và tránh thuế còn nhiều phức tạp; chu trình ngân sách kém hiệu quả; thực trạng phân chia nguồn thu giữa trung ương và địa phương còn nhiều bất cập.
Ông Johan Langerock - chuyên gia về chính sách thuế của Tổ chức Oxfam cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua “không song hành với sự gia tăng của tổng thu ngân sách từ thuế”. Những năm qua, tổng thu ngân sách từ thuế của Việt Nam đã và đang giảm so với quy mô của nền kinh tế.
Thực trạng nói trên nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng không tốt tới sự bền vững của ngân sách quốc gia, bởi xu hướng này đồng nghĩa với việc hệ thống thuế hiện tại đang thất bại trong việc nắm bắt và phân phối lại thu nhập và tài sản của quốc gia.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng một trong những lý do chính của việc thu ngân sách từ thuế giảm xuống là do tập trung vào giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp và tăng ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, thực tế lại tồn tại một nghịch lý là nguồn thu ngân sách từ thuế giảm thì chi tiêu qua thuế (nguồn thu mất đi do ưu đãi thuế) vẫn duy trì ở mức cao; dẫn đến việc công nghiệp hóa theo hướng xuất khẩu ngày càng phát triển trong khi phát triển nông nghiệp và doanh nghiệp nhỏ lại bị “bỏ qua”.
“Chúng ta không thể bỏ qua việc tính toán này vì chi phí phải đánh đổi về mặt xã hội là quá lớn", ông Johan Langerock nhận định.
Từ đó, chuyên gia này đưa ra 2 khuyến nghị cho chính phủ Việt Nam. Thứ nhất, loại bỏ một số ưu đãi thuế sau khi thực hiện đánh tác động. Thứ hai, với vai trò là Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, Việt Nam nên bổ sung vấn đề về cạnh tranh thuế và ưu đãi thuế vào chương trình nghị sự của ASEAN nhằm nâng cao nhận thức và khởi xướng các thảo luận cấp khu vực về chủ đề này.
Cả 2 hành động này đều nhắm tới việc tăng nguồn thu ngân sách từ thuế một cách công bằng và bình đẳng. Nếu thành công, bất bình đẳng trong xã hội sẽ giảm còn Chính phủ sẽ có nhiều nguồn lực hơn để đầu tư cho y tế, giáo dục và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang ngày càng khốc liệt hơn ở Việt Nam.