Hà Nội cần xét nghiệm các trường hợp F3
Chiều 1-2, tại trụ sở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, đã có buổi làm việc về công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TP Hà Nội. Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Hà Nội là đô thị rất lớn, việc giao lưu, đi lại nhiều, rất khó kiểm soát với diễn biến phức tạp của đợt dịch Covid-19 lần này. Vì vậy, Hà Nội cần lấy mẫu xét nghiệm đến cả những trường hợp F3. Đồng thời khẩn trương truy vết, theo dấu các ca mắc Covid-19. Bởi chỉ có như vậy Hà Nội cùng Hải Dương, Quảng Ninh mới có thể cơ bản khoanh gọn và kiểm soát dịch để người dân yên tâm đón tết. Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ, sát cánh với Hà Nội trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Theo ông Trương Quang Việt, Phó Giám đốc phụ trách CDC Hà Nội, tính đến ngày 1-2, Hà Nội ghi nhận 19 ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng liên quan đến các ổ dịch của Hải Dương và Quảng Ninh. Hiện nay về cơ bản, Hà Nội đã thực hiện nghiêm việc truy vết, xác định được các đối tượng F1, F2, F3 của những bệnh nhân đã được phát hiện. Các trường hợp F1 và F2 đã được lấy mẫu xét nghiệm với tổng số là 15.000 mẫu.
Vừa truy vết, vừa khoanh vùng
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, bộ muốn làm việc với Hà Nội trên quan điểm bảo vệ thủ đô, để người dân hưởng tết an lành. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, do tốc độ lây nhiễm cao, tình hình hiện nay khó khăn, phức tạp hơn và khác hẳn trường hợp Đà Nẵng. Chu kỳ lây nhiễm của virus trước đây 4-5 ngày nhưng hiện chỉ 1-2 ngày. “Nguy cơ rất cao nên chúng ta phải có hành động quyết liệt và phải rất nhanh”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh và đề nghị Hà Nội phải vừa truy vết vừa khoanh vùng, lấy mẫu triệt để các trường hợp tiếp xúc. Phong tỏa các khu vực có ca bệnh và chỉ dỡ phong tỏa sau khi có kết quả âm tính.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, với đợt dịch lần này, Hà Nội phải thay đổi chiến thuật. Theo đó, cần coi tất cả các F1 là trường hợp nghi nhiễm; truy vết đồng thời cả trường hợp F1 và F2… Bộ Y tế sẽ tập huấn cho đội ngũ lấy mẫu xét nghiệm. Riêng với các quận, huyện cần huy động lực lượng tại chỗ và tăng cường rà soát, sàng lọc với một số khu vực đặc biệt như các bệnh viện và đối tượng nghi ngờ. Bộ Y tế cũng cam kết hỗ trợ Hà Nội thông qua việc cử chuyên gia phối hợp trong công tác điều phối và vận chuyển mẫu xét nghiệm. Bộ Y tế sẽ huy động tất cả các đơn vị làm công tác xét nghiệm có công suất cao như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Đồng thời Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương sẽ nhận điều trị toàn bộ bệnh nhân Covid-19 của Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị Hà Nội khởi động ngay bệnh viện dã chiến sẵn sàng triển khai khi cần thiết.
Tạo điều kiện cho vận tải hàng hóa
Cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản chỉ đạo các sở ngành, huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện, cho phép các phương tiện vận tải đang chuyên chở hoặc đi nhận hàng (bao gồm hàng hóa, nguyên liệu phục vụ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh) được phép đi qua các chốt kiểm soát với các tỉnh ngoài và các chốt kiểm soát nội tỉnh (trừ phương tiện xuất phát từ các vùng bị phong tỏa do có dịch). Các phương tiện đi qua vùng phong tỏa nhưng không dừng, đỗ thì được phép đi qua các chốt kiểm soát. Theo đại diện Sở Y tế Quảng Ninh, đến nay, tỉnh đã có 27 trường hợp mắc Covid-19. Tỉnh Quảng Ninh cũng đã truy vết được hơn 47.315 trường hợp, trong đó có 1.374 trường hợp F1.
Trong khi đó, ngày 1-2, tại Hải Dương, Trung tâm Y tế TP Hải Dương đã lấy mẫu xét nghiệm đối với những người dân sống xung quanh khu vực có bệnh nhân mắc Covid-19 tại khu dân cư Trần Nội, phường Thạch Khôi, TP Hải Dương (ca mắc Covid-19 đầu tiên ở TP Hải Dương). Đồng thời TP Hải Dương đã lập vùng cách ly y tế 21 ngày đối với 20 hộ dân tại khu 2 và khu dân cư Trần Nội.
Khoảng 300 mẫu xét nghiệm sẽ được lấy xong trong ngày. Cùng với đó, trong ngày, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Ninh Giang đã phong tỏa một xóm thuộc Đội 7, thôn Ngọc Hòa, xã Vĩnh Hòa. Khu vực phong tỏa có 60 hộ với 175 nhân khẩu. Các lực lượng chức năng đã truy vết xác định 9 người trong gia đình và 30 đồng nghiệp tại Công ty TNHH một thành viên Senying (đường Khúc Thừa Dụ, xã Đồng Tâm) có tiếp xúc gần ca bệnh.
Trong quý 1 có vaccine ngừa Covid-19 Ngày 1-2, Bộ Y tế đã có quyết định cấp phép cho vaccine Covid-19 Astra Zeneca của Anh được phép lưu hành tại Việt Nam. Cục Quản lý dược có trách nhiệm cấp phép nhập khẩu vaccine Astra Zeneca khi nhận được hồ sơ của cơ sở nhập khẩu theo quy định... Dự kiến trong quý 1, vaccine Astra Zeneca sẽ có mặt tại Việt Nam và được tiêm cho người dân. Việt Nam sẽ nhập khoảng 30 triệu liều vaccine trong năm 2021. |