Người trẻ với hệ tư tưởng mới, sống ở thời đại mới, cần có những quy chuẩn phù hợp. Khi việc “sống ảo” lên ngôi thì “sống thật” lại mất đi vị thế vốn có.
Người trẻ ít tương tác cảm xúc, giao tiếp thực tế mà đa phần thông qua màn hình điện thoại, vì vậy khả năng đồng cảm cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Ngoài ra, những thông tin xuất phát từ mạng xã hội lại mang tính một chiều, khó xác nhận…
Việc tự khẳng định bản thân như đưa ra chính kiến, thể hiện quan điểm mang lại cảm giác tự tin cho người trẻ nhưng cũng khiến các bạn trở nên cứng nhắc với sự góp ý từ người khác.
Phong trào “Dọn rác khoe Facebook”, hay trào lưu không sử dụng rác thải nhựa cũng nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình. Điều này chứng tỏ dù có nhiều mặt xấu, nhưng mạng xã hội vẫn có thể lan tỏa những câu chuyện tốt đẹp, những giá trị vững bền.
Ngoài ra, những hoạt động đoàn - hội rất thiết thực như: Xuân tình nguyện, Mùa hè xanh… vẫn là những cách thức rất hiệu quả hỗ trợ người trẻ xây dựng sự tự tin, kết nối, đẩy lùi các giá trị tiêu cực như vô cảm, ích kỷ. Tuy nhiên, các chương trình này cần đổi mới thường xuyên, gắn liền với các sự kiện xã hội để tạo ra sự hấp dẫn.
Đối với những bạn trẻ đang ở độ tuổi cấp 2, cấp 3, khi nhân cách chưa đủ cứng cáp rất cần sự theo sát của gia đình và nhà trường. Gia đình không chỉ nên quan tâm đến kết quả học tập của các con, mà còn cần quan sát những biểu hiện hành vi, phong cách ăn mặc, lời ăn tiếng nói.
Nhà trường không chỉ dạy học sinh “tôn sư trọng đạo”, mà còn phải có những buổi tập huấn cho giáo viên, góp phần nâng cao khả năng giao tiếp và thấu hiểu tâm lý của học sinh. Đã qua rồi cái thời “thầy bảo gì, trò làm đó”, thầy cần đối xử tôn trọng với trò thì lúc đó trò mới tôn kính người thầy.
Người trẻ đứng trước thời kỳ giao lưu văn hóa rất mạnh mẽ, các bạn cần xây dựng những bộ lọc cá nhân đủ mạnh để tránh “hòa tan”. Ông bà ta có câu “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” thì trên mạng cũng cần… uốn tay trước khi gõ phím. Đừng gia nhập vào hàng ngũ “anh hùng bàn phím”, các bạn sẽ dễ đánh mất những đánh giá tích cực.