Tại phiên thảo luận chuyên đề “Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022, GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT nhận định, một trong những vấn đề quan trọng nhất cần quan tâm hiện nay là quá trình tiếp cận đất đai của doanh nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư.
Một thực tế đang xảy ra ở hầu khắp các nơi là bảng giá đất của Nhà nước do các địa phương cấp tỉnh quy định luôn chỉ bằng khoảng 30-60% giá trị thị trường. Việc các quy định về cơ chế Nhà nước thu hồi đất không mang tính chất thị trường là nguyên nhân chính gây nên tình trạng bức xúc của dân khi bị thu hồi đất.
Theo GS-TSKH Đặng Hùng Võ, hệ thống tài chính đất đai bao gồm hai nội dung cơ bản. Một là giá đất do Nhà nước quy định phải phù hợp với giá trị thị trường. Hai là phải cải cách hệ thống thuế sử dụng đất để sao cho phù hợp với mức thu nhập của người lao động, người dân; đồng thời sử dụng công cụ thuế để ngăn ngừa tình trạng đầu cơ đất đai, có đất nhưng không đưa đất vào sử dụng, để đất hoang hóa.
Như vậy, vấn đề giá đất và các chính sách về tài chính đất đai ngoài chính sách thuế sẽ được xem xét và quy định tại Luật Đất đai, nhưng các chính sách về thuế sử dụng đất hoặc thuế bất động sản (hoặc thuế tài sản) lại được quy định trong các luật về thuế, cần xây dựng đồng bộ với Luật Đất đai.
Đối với các chính sách về tài chính đất đai, để tạo thuận lợi cho đầu tư phát triển, cần xác lập cơ chế cho phép thế chấp bằng quyền sử dụng đất tại các tổ chức tín dụng, kể cả trong nước và ngoài nước để vay vốn nước ngoài - hoặc trực tiếp tại các tổ chức tài chính nước ngoài hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức tín dụng trong nước làm đại lý thế chấp. Lúc đó, lãi suất tín dụng tiền vay sẽ nhẹ hơn nhiều do giảm thiểu rủi ro của khoản vay, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các dự án đầu tư.