Cần xác định rõ hơn “cơ quan cấp trên” đối với một số trường hợp chịu sự giám sát

Góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, ông Lê Minh Đức, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM góp ý, dự án Luật cần xác định rõ hơn “cơ quan cấp trên” đối với một số cơ quan chịu sự giám sát là Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước.

img-7373-8151.jpg
Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức hội thảo, ngày 7-10

Chiều 7-10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tổ chức hội thảo Góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND). Ông Hà Phước Thắng, Phó trưởng chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM chủ trì hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đồng tình đối với sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Sau 8 năm tổ chức thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã đạt được nhiều kết quả, đóng góp tích cực vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

IMG_7374.jpg
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TPHCM

Góp ý cụ thể Điều 83 của dự án luật, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TPHCM cho rằng, cần cụ thể hơn việc đại biểu, tổ đại biểu giám sát kết quả giải quyết trả lời của các cơ quan tại các buổi tiếp xúc cử tri, tiếp công dân. Thực tế có không ít đại biểu và tổ đại biểu chưa quan tâm, dẫn đến những kiến nghị của cử tri cứ kéo dài và lặp lại tại các buổi tiếp xúc cử tri, tiếp công dân.

Đồng thời cần bổ sung việc đại biểu có quyền từ chối tiếp công dân nếu vụ việc đã được tiếp rồi, đã có kết quả giải quyết cụ thể và không có thêm tình tiết mới.

Góp ý điều 87, ông Cao Thanh Bình nêu vấn đề, luật cần làm rõ trường hợp trả lời của cơ quan chuyên môn, địa phương mà công dân vẫn không đồng tình thì như thế nào? Thực tế hiện nay, sau khi có kết quả giải quyết mà công dân không đồng tình thì cứ liên tục đăng ký tiếp dân nhiều lần làm cho thời gian tiếp dân và vụ việc cứ kéo dài không có hồi kết. Vì vậy đề xuất, nếu đại biểu xem xét vụ việc đã rõ thì chuyển tổ đại biểu nơi cử tri ở để thông báo, giải thích cho công dân.

IMG_7372.jpg
Ông Lê Minh Đức, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM

Ông Lê Minh Đức, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM góp ý, dự án Luật cần xác định rõ hơn “cơ quan cấp trên” đối với một số cơ quan chịu sự giám sát là Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước.

Ngoài ra, cần cụ thể hóa việc đăng tải trên cổng thông tin điện tử của các cá nhân là đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

Tin cùng chuyên mục