Đây là biện pháp để các phương tiện đã dán thẻ ETC qua trạm thu phí thông suốt hơn các phương tiện thu phí một dừng. Mục tiêu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam là tạo thuận lợi trong lưu thông sẽ giúp đẩy nhanh số phương tiện dán thẻ ETC vốn đang còn rất khiêm tốn hiện nay, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án ETC. Tuy nhiên, động thái này rất khó có thể giúp tổng cục đạt được mục tiêu đề ra, nhất là khi mốc cuối cùng thực hiện thu phí ETC trên toàn quốc vào ngày 31-12 theo chỉ đạo của Thủ tướng đã cận kề.
Theo ghi nhận tại trạm thu phí trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang trong ngày đầu tiên thực hiện, mặc dù các cơ quan chức năng đã tuyên truyền, bố trí người điều hành, cắm biển hướng dẫn phân làn từ xa… nhưng nhiều tài xế vẫn rất lúng túng trong việc phân biệt làn dành riêng cho ETC. Không ít xe chưa dán thẻ đã đi nhầm vào làn ETC, hoặc có xe dán thẻ nhưng tài khoản không có tiền, khiến làn ETC vẫn bị ách tắc.
Hiện các lực lượng chức năng mới chỉ nhắc nhở các phương tiện đi sai làn và dự kiến sau 1 tháng hướng dẫn mới tiến hành xử phạt. Tuy nhiên, người tham gia giao thông đang rất cần có sự triển khai thống nhất tại tất cả các trạm thu phí về việc nhận biết, sử dụng làn dành riêng cho ETC, chứ không phải chỉ thí điểm một số trạm và mỗi trạm một kiểu như hiện nay. Việc xử lý các vi phạm đi sai làn qua trạm thu phí cũng khó thực hiện nếu chế tài xử phạt theo nghị định mới (thay thế Nghị định 46/2016) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chưa được ban hành.
Nhưng đấy mới chỉ là một trong những lý do làm chậm tiến độ dự án ETC. Cản trở lớn nhất đến tiến độ dự án này phải nói đến một động thái khiến dư luận bất ngờ, đó là Công ty TNHH Thu phí tự động VETC - doanh nghiệp triển khai đầu tư dự án thu phí ETC giai đoạn 1 - vừa đề xuất Bộ GTVT cho dừng thực hiện hợp đồng, do dự án triển khai quá chậm khiến doanh nghiệp bị lỗ.
Theo phân tích của các chuyên gia, thu phí ETC là dự án giúp minh bạch thu phí BOT, rất hợp lòng dân, lẽ ra phải được triển khai nhanh chóng và thuận lợi. Thế nhưng, dự án đã bị vướng ngay từ đầu khi Bộ GTVT muốn để VETC “một mình một chợ” trong việc cung cấp dịch vụ ETC, dẫn đến việc các chủ đầu tư bất hợp tác. Đồng thời Bộ GTVT và VETC không lường được các vấn đề phát sinh như tỷ lệ trích doanh thu, tài khoản đóng phí, sự phản ứng của các chủ đầu tư BOT…
Bộ GTVT đã thừa nhận những bất cập và sửa sai bằng việc cho nhiều nhà đầu tư cung cấp dịch vụ ở giai đoạn 2 của dự án. Tuy nhiên, giải quyết vướng mắc của giai đoạn 1 như thế nào để đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ đang là vấn đề hết sức nan giải. Việc nhà cung cấp độc quyền VETC xin rút khỏi dự án ở thời điểm này không chỉ “làm khó” Bộ GTVT mà còn “làm khó” cả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nếu đến ngày 31-12 này dự án thu phí ETC không triển khai được trên toàn quốc. Đã đến lúc Bộ GTVT phải phân định rõ trách nhiệm, quyền lợi của các bên liên quan theo quy định của pháp luật hiện hành. Có nghĩa là, Bộ GTVT không thể chỉ dùng mệnh lệnh hành chính để áp đặt doanh nghiệp, VETC không thể chỉ biết đến quyền lợi của mình, còn chủ đầu tư BOT cũng không thể vì muốn nhập nhèm doanh thu mà cố tình trì hoãn thu phí ETC. Tất cả cần công khai, minh bạch và nhất thiết phải vì lợi ích chung để cùng tháo gỡ, bên nào vi phạm đều cần bị xử lý nghiêm khắc.