
Trong cuộc sống, chúng ta đặt ra nhiều mục đích. Để đạt được các mục đích đó, cần có các công cụ, biện pháp thích hợp. Thích hợp, nghĩa là chúng phải thỏa mãn được hai điều kiện “cần” và “đủ”.
Thế nào là điều kiện “cần” và “đủ”? Điều kiện “cần” hàm ý nếu không có công cụ, biện pháp đó ta sẽ không thể đạt được mục đích. Điều kiện “đủ” là nếu có biện pháp, công cụ đó ta sẽ đạt được mục đích.

Người dân đến tìm hiểu điều kiện, thủ tục đăng ký hộ khẩu thường trú tại TP.HCM.
Lấy ví dụ, mục tiêu đặt ra là đẩy mạnh xuất khẩu; biện pháp: cho phép mọi doanh nghiệp được quyền xuất khẩu trực tiếp, chứ không phải chỉ cho phép một số các công ty “im, ếch” có chức năng xuất khẩu như trước. Biện pháp này thỏa mãn hai điều kiện “cần” và “đủ”. “Cần” vì nếu không có nó, các doanh nghiệp dù năng động đến mấy vẫn bị phụ thuộc vào mấy doanh nghiệp kia, không chỉ gia tăng chi phí, mà còn mất tính chủ động kinh doanh, trong khi mấy doanh nghiệp kia ngồi mát ăn bát vàng. “Đủ” bởi nhờ biện pháp này các doanh nghiệp được giải phóng năng lực, tự chủ kinh doanh, giảm chi phí, đương nhiên kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng vọt mà chưa cần tới các trợ giúp khác của Nhà nước. Những ví dụ kiểu này có nhiều.
Có những biện pháp “cần” nhưng không “đủ”. Chẳng hạn, để chống tham nhũng, công chức nhất thiết phải kê khai tài sản, vậy đây là điều kiện “cần” nhưng biện pháp kê khai tài sản này không “đủ” để chống tham nhũng nếu không kèm theo hướng xử lý các tài sản không kê khai hoặc có nguồn gốc bất minh.
Có những biện pháp”đủ” nhưng không “cần”. Chẳng hạn, trước kia có quy định lên máy bay phải trình CMND. “Đủ” vì CMND giúp xác định nhân thân người đó nhưng nó không “cần” vì không có CMND vẫn có thể xác định nhân thân qua các giấy tờ khác như bằng lái xe, thẻ sĩ quan, thẻ sinh viên, thẻ nhà báo v.v… Giờ đây, ngành hàng không đã thay thế quy định này bằng cách cho sử dụng các loại giấy tờ chứng minh nhân thân khác, nghĩa là vừa cần, vừa đủ.
Cuối cùng, có nhiều công cụ, biện pháp thất bại vì chúng không “cần” mà cũng chẳng “đủ”. Có nghĩa là, không có chúng, mục đích vẫn có thể đạt được nhờ những biện pháp khác. Trái lại, có chúng, mục đích vẫn không đạt được như mong muốn.
Lấy ví dụ về vấn đề hộ khẩu. Vốn dĩ, hộ khẩu là công cụ quản lý công dân, cốt để biết ai đó đang làm gì, ở đâu. Tuy nhiên, hộ khẩu đã bị biến thành công cụ để đạt mục đích khác hẳn, đó là hạn chế dân tỉnh nhập cư vào thành phố. Thời bao cấp, khi cuộc sống dân thành thị hoàn toàn phụ thuộc vào tem phiếu thì hộ khẩu quả là công cụ đắc lực ngăn ngừa dân nhập cư. Khi đó, nó vừa “cần”, vừa “đủ” nhưng từ khi tem phiếu và các chế độ mang hơi hướng bao cấp bị xóa bỏ thì hộ khẩu cũng mất dần quyền uy của nó.
Tuy thế, nhiều người vẫn nghĩ rằng có thể dùng hộ khẩu, hay chính xác hơn - dùng việc “không cho đăng ký hộ khẩu” - để ngăn chặn dân nhập cư, tránh cho thành phố quá tải. Họ không thấy rằng biện pháp đó không thỏa mãn được cả hai điều kiện “cần” và “đủ”, vì thế không thể đạt được mục đích. Không “cần” bởi nếu cho nhập khẩu thoải mái thì người dân ngoại tỉnh cũng không vì thế mà ùn ùn kéo về thành phố nếu không kiếm được công ăn việc làm, không có nhà cửa đàng hoàng; Không “đủ” bởi dù không cho người ta đăng ký hộ khẩu thì người ta vẫn sinh sống ở đây, miễn là kiếm được việc làm. Gần 2 triệu người dân ngoại tỉnh đang sinh sống ở TPHCM mà không cần hộ khẩu là minh chứng cho sự bất lực của biện pháp này.
Một ví dụ khác. Hà Nội ngưng đăng ký xe máy ở 7 quận với hy vọng hạn chế, tiến tới giảm dần lượng xe cá nhân. Đây cũng là một biện pháp vừa không “cần”, vừa không “đủ”. Không “cần” bởi dù có cho đăng ký thoải mái thì mỗi người cũng không thể cùng lúc lái hơn một chiếc xe ra đường, dù có đến bao nhiêu xe chăng nữa. Mà hiện nay mỗi người dân đều đã sở hữu ít nhất một chiếc xe máy hay xe đạp, nghĩa là lượng xe thực sự lưu thông ngoài đường (không phải lượng xe trong sổ sách của cảnh sát giao thông) đã đến mức bão hòa, không thể tăng thêm nhiều nữa, tối đa là 1,5%/năm, tương ứng mức tăng dân số. Không “đủ” bởi từ khi quyết định này được ban hành, lượng xe máy ở các quận đó không giảm đi một chiếc nào, có điều bây giờ mang biển số các quận còn lại và các tỉnh khác. Người ta chỉ đạt được mục đích ảo trên giấy tờ (số xe đăng ký mới giảm 100%), nhưng không đạt được mục đích thực: giảm số xe lưu thông ngoài đường.
Suốt mấy năm qua Chính phủ tìm cách rà soát, loại bỏ các quy định không còn phù hợp, chính là loại bỏ những quy định “vừa không cần, vừa không đủ”. Để hiện tượng đó không tái diễn, thiết nghĩ khi cơ quan nào trình lên một quy định mới, nhất thiết cơ quan đó phải chứng minh trước hội đồng phản biện (tốt nhất là từ những người chịu ảnh hưởng của quy định) tính “cần và đủ” của quy định đó. Nếu không chứng minh được một cách thuyết phục rằng không có nó là không xong, và có nó sẽ giải quyết được vấn đề, thì quy định đó phải bị loại bỏ tức khắc. Đó chính là cách làm luật nên theo.
ĐOÀN TIỂU LONG