Cần tư duy mới, đột phá, giá trị mới để phát triển vùng Đông Nam bộ
SGGP
Ngày 26-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị triển khai Nghị quyết 154 của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng.
Cùng chủ trì có các đồng chí: Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng; Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT; Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM.
Tháo gỡ điểm nghẽn “đầu tàu”
Đánh giá về hạ tầng giao thông của vùng Đông Nam bộ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho rằng, hạ tầng giao thông của vùng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển chung và còn nhiều hạn chế so với tiềm năng, lợi thế. Trong đó, hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu và yếu. Một số tuyến đường trong vùng quá tải kéo dài nhiều năm, trong khi hệ thống đường cao tốc liên vùng, các đường vành đai còn triển khai chậm. Điều này dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên, ngày càng nghiêm trọng, nhất là các tuyến đường cửa ngõ ra vào TPHCM.
Bộ trưởng Bộ GTVT thông tin, trong quy hoạch phát triển đường cao tốc giai đoạn 2021-2030, phấn đấu nâng số kilômét trong vùng lên khoảng 772km. Trong đó, giai đoạn 2021-2026, tập trung đầu tư hoàn thành 5 tuyến cao tốc quan trọng có tính chất liên vùng kết nối với sân bay Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải. Cụ thể là tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dự kiến thông xe vào tháng 12-2022; cao tốc Bến Lức - Long Thành dự kiến đưa vào khai thác năm 2025; cơ bản hoàn thành cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, đường Vành đai 3 TPHCM và mở rộng tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Từ nay cho đến năm 2030, tổng nhu cầu vốn đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Đông Nam bộ dự kiến khoảng 420.000 tỷ đồng. Để huy động được các nguồn vốn, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, triệt để cho các địa phương trong công tác đầu tư xây dựng các dự án.
Liên quan đến phát triển đô thị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá, vùng Đông Nam bộ có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất trong cả nước. Tuy nhiên, phát triển đô thị trong vùng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng dân số cơ học nhanh tạo sức ép rất lớn lên hạ tầng đô thị; hạ tầng kỹ thuật đô thị như giao thông, xử lý nước thải, rác thải đều chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong khi đó, những thách thức về biến đổi khí hậu tác động ngày càng rõ dẫn đến ngập nước, triều cường ở các đô thị, nhất là TPHCM. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, để giải quyết các vấn đề này, giải pháp trọng tâm là quy hoạch đô thị của vùng phải đặc biệt quan tâm, chú ý làm rõ vai trò lợi thế cạnh tranh đối với từng đô thị trong vùng. Ngoài ra, hệ thống đô thị cấp vùng, cấp tỉnh phải tạo động lực nhằm tăng cường sự liên kết và khai thác hiệu quả hạ tầng giao thông trong vùng.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài tham dự hội nghị. Ảnh: CAO THĂNG
Để giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, cực tăng trưởng của vùng, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ, TPHCM đang khẩn trương giải quyết các vấn đề xã hội như vấn đề lao động, nguồn nhân lực, nhà ở, ùn tắc giao thông, ngập nước, môi trường, an sinh xã hội, thích ứng biến đổi khí hậu... TPHCM cũng rà soát, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao. Đồng thời, xây dựng chính sách phát triển mạnh các mô hình kinh tế mới như: kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Qua đó, TPHCM tìm kiếm động lực tăng trưởng mới cho thành phố và vùng trong giai đoạn tới.
Đồng chí Phan Văn Mãi thông tin thêm, thành phố tập trung phát triển kinh tế theo hướng kinh tế dịch vụ có giá trị gia tăng cao; tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao và giá trị gia tăng cao. TPHCM cũng tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong đó, hạ tầng hệ thống đường sắt đô thị kết nối với các tỉnh trong vùng và TP Cần Thơ; hệ thống logistics cảng biển, đường ven biển, đường thủy kết nối vùng và ĐBSCL; quan tâm bảo vệ, phát triển Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và các khu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trên địa bàn thành phố.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng đề xuất phát triển mạng lưới đường sắt kết nối vùng Đông Nam bộ. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng sớm củng cố thành phần và cơ chế hoạt động của hội đồng vùng. Cùng với đó là thành lập Quỹ phát triển hạ tầng giao thông chiến lược cho vùng với nguồn vốn hỗn hợp: Nguồn vốn từ các nhà tài trợ quốc tế, ngân sách Trung ương và địa phương sẽ góp phần giải quyết rất nhanh các dự án giao thông trong vùng.
“Vùng Đông Nam bộ cần thành lập Quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng. Trong đó quỹ có nguồn vốn hỗn hợp từ các nhà tài trợ quốc tế, Trung ương và địa phương để giải quyết rất nhanh các dự án giao thông trong vùng”, Chủ tịch UBND TPHCM PHAN VĂN MÃI đề xuất
Kết hợp nội lực với ngoại lực
Đánh giá vùng Đông Nam bộ có tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh rất rõ song vẫn còn những tồn tại, hạn chế, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra nhiều việc phải làm trong thời gian tới để vùng phát triển mạnh mẽ hơn. Cụ thể, Thủ tướng định hướng một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển vùng theo phương châm “Tư duy đổi mới - Đột phá mới - Giá trị mới”. Trong đó, tư duy mới là phải phát huy tính tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay khối óc, đi lên từ lợi thế chân trời cửa biển của vùng; không trông chờ ỷ lại mà phải dựa vào nội lực là cơ bản, chiến lược và lâu dài. Tư duy đổi mới còn là xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất và hiệu quả; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Mọi chính sách phải hướng đến người dân và người dân tham gia vào xây dựng chính sách.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho nhà đầu tư. Ảnh: CAO THĂNG
Một yếu tố nữa là đột phá mới, trong đó phải có cơ chế, chính sách đột phá xuất phát từ thực tiễn, qua đó tạo ra nguồn lực. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, để tận dụng mọi nguồn lực cần có nhiều cách thức, phương thức huy động các nguồn lực từ nhà nước, người dân, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thủ tướng gợi ý huy động nguồn lực hợp tác công tư với các hình thức như “lãnh đạo công, quản trị tư”, “đầu tư công, quản lý tư”, “đầu tư tư, sử dụng công”. Ngoài ra, vùng phải hình thành trung tâm tài chính quốc tế để huy động nguồn lực và có quỹ phát triển hạ tầng giao thông chiến lược của vùng. Thủ tướng khẳng định phải kết hợp giữa nội lực với ngoại lực, xem đây là yếu tố quan trọng và đột phá.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh phải đưa khoa học - công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giáo dục, tăng năng suất lao động trở thành phong trào, xu thế phát triển trong vùng. Bên cạnh đó là hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, cạnh tranh lành mạnh; thực hiện tốt hơn chính sách an sinh xã hội. Từ những đột phá mới này, Thủ tướng tin tưởng: Việt Nam phải có những sản phẩm không phải là “Made in Vietnam”, mà là “Make in Vietnam”; sản phẩm Việt Nam phải là trí tuệ, năng lực, bản lĩnh từ người Việt Nam.
“Đột phá mới là phải có trung tâm tài chính để huy động nguồn lực. Về Quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ như đồng chí Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề xuất, tôi thấy việc này là cần thiết, giao cho Bộ Tài chính làm, phải làm”, Thủ tướng PHẠM MINH CHÍNH lưu ý
Cuối cùng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập đến “giá trị mới” của vùng Đông Nam bộ, đó là mang lại tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, giá trị đóng góp vào ngân sách cao hơn; chỉ số phát triển con người cao ngang tầm với các nước phát triển; hạ tầng kinh tế - xã hội, kết nối vùng, cả nước và quốc tế phải tốt nhất cả nước. Những giá trị mới nữa là phải khắc phục được các tồn tại mà người dân bức xúc như tắc nghẽn giao thông, môi trường sống suy thoái, biến đổi khí hậu, ngập nước… Qua hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành Trung ương và địa phương, đối tác, doanh nghiệp đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã thực hiện là phải đạt hiệu quả. Đồng thời, các bên phối hợp thực hiện hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân, doanh nghiệp với phương châm lợi ích hài hòa, khó khăn, rủi ro chia sẻ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, vùng Đông Nam bộ tiếp tục đi đầu, là vùng tiêu biểu của cả nước về phát triển chuyển đổi số, phát triển xanh bao trùm, toàn diện. “Giá trị mới lớn nhất của vùng chính là góp phần quan trọng vào xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực hội nhập quốc tế; xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, người dân được hạnh phúc, ấm no”, Thủ tướng kỳ vọng.
Trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu chứng kiến lễ công bố thỏa thuận hợp tác và trao giấy chứng nhận đầu tư, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa Bộ KH-ĐT, UBND các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ với các đối tác, nhà đầu tư. Theo đó, có tổng cộng 20 dự án thuộc các lĩnh vực lọc hóa dầu, điện tử, hạ tầng khu công nghiệp, đô thị, du lịch… được đăng ký đầu tư với tổng số vốn hơn 10 tỷ USD và hơn 5.000 tỷ đồng.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành và đưa vào hoạt động những hạng mục trọng điểm đầu tiên tại Tổ hợp Hóa dầu miền Nam (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).