Cẩn trọng với việc giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài nước ngoài

ĐBQH nhất trí với tên gọi, phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết, song cũng đề nghị khẳng định rõ nguyên tắc, thẩm quyền của Tòa án Việt Nam trong việc công nhận phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA; đồng thời, đặt ra cơ chế mới về trình tự, thủ tục công nhận phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA. 

Ngay sau khi Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA) được thông qua vào sáng nay 8-6, Quốc hội đã thảo luận ở Hội trường về dự thảo Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của EVIPA.

Trình bày Tờ trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay, pháp luật Việt Nam đã quy định đầy đủ, cụ thể về cơ chế công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, nhưng chưa có quy định về thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết theo quy định của Hiệp định EVIPA. Do vậy, việc trình Quốc hội ban hành văn bản để hướng dẫn áp dụng Điều 3.57 của Hiệp định là phù hợp với quy định tại Khoản 4 Điều 3 Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và cần thiết cho việc thi hành kịp thời Hiệp định ngay sau khi có hiệu lực, đồng thời bảo đảm tính khả thi, thống nhất và ổn định của hệ thống pháp luật.

Cẩn trọng với việc giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài nước ngoài ảnh 1 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình tại phiên họp Quốc hội, sáng 8-6-2020. Ảnh: QUOCHOI
Cơ bản tán thành Tờ trình, song Ủy ban Tư pháp – cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra cho rằng, việc công nhận và cho thi hành phán quyết chung thẩm của cơ quan giải quyết tranh chấp theo EVIPA sẽ được áp dụng có tính chất tương tự như bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam và việc thi hành phán quyết được thực hiện theo thủ tục thi hành án dân sự. Do đó, dự thảo Nghị quyết cần quy định rõ để tránh hiểu là Tòa án Nhân dân Tối cao phải ban hành thủ tục riêng để công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo EVIPA.

Phát biểu về nội dung này, các ý kiến ĐBQH nhất trí với tên gọi, phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết, song cũng đề nghị khẳng định rõ nguyên tắc, thẩm quyền của Tòa án Việt Nam trong việc công nhận phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA; đồng thời, đặt ra cơ chế mới về trình tự, thủ tục công nhận phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA.

ĐB Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) đặt câu hỏi, dự thảo quy định, quyết định của Tòa án Việt Nam về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định sẽ không bị kháng cáo, kháng nghị liệu có vi phạm về thủ tục tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự Việt Nam hay không?

“Không thể tước đi quyền kháng nghị của Viện Kiểm sát cùng cấp và Viện Kiểm sát cấp trên trong trường hợp Tòa án Việt Nam không công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA”, ĐB Lê Anh Tuấn nêu quan điểm.

Băn khoăn về việc công nhận và cho thi hành phán quyết, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho biết, phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA về bản chất không phải phán quyết của trọng tài nước ngoài, mà chỉ là phán quyết của cơ quan thường trực trọng tài nước ngoài.

Cẩn trọng với việc giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài nước ngoài ảnh 2 ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nêu ý kiến liên quan đến EVIPA tại phiên họp của Quốc hội, sáng 8-6-2020. Ảnh: VIẾT CHUNG
ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị Tòa án Nhân dân Tối cao phối hợp với các cơ quan hữu quan, các chuyên gia trong và ngoài ngành tòa án để tổng kết việc thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài theo Công ước New York, từ đó chỉnh lý dự thảo Nghị quyết này, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các bên.

“Dù Nghị viện châu Âu đã phê chuẩn, nhưng mới chỉ có 2 nước thành viên phê chuẩn, còn tới hơn 20 nước chưa phê chuẩn, họ sẽ nhìn chúng ta vào cách chúng ta xử lý vấn đề để quyết định”, ĐB Trương Trọng Nghĩa lưu  ý.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, các đại biểu Quốc hội đã nhất trí với điều khoản thi hành của dự thảo Nghị quyết là Nghị quyết sẽ có hiệu lực kể từ ngày Hiệp định EVIPA có hiệu lực. Đối với một số vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên thảo luận, Ủy ban Tư pháp sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan nhằm tiếp thu, nghiên cứu và báo cáo lại với Quốc hội khi chính thức trình dự thảo Nghị quyết để Quốc hội xem xét phê chuẩn.

Tin cùng chuyên mục