Đánh vào tâm lý săn hàng giảm giá “khủng” nhân dịp lễ sắp tới của một bộ phận khách hàng gen Z, nhiều kênh bán hàng trực tuyến bắt đầu tung các mã khuyến mãi đi kèm video quảng cáo do nhiều gương mặt người nổi tiếng trên mạng xã hội giới thiệu để tạo uy tín cho khách chốt đơn. Tuy nhiên, khi đặt hàng rồi mới vỡ lẽ, hàng thật - giả mong manh đến khó phân định, và ngay cả video quảng cáo cũng thật - ảo lẫn lộn.
Hàng loạt tài khoản nổi tiếng trên mạng xã hội như: T.P.L., S.T.A.C., V.H.L… liên tục lên video và bài viết cảnh báo, đính chính họ không giới thiệu các sản phẩm làm đẹp như: sữa rửa mặt, gel tẩy tế bào chết cho da mặt, hay nước hoa hồng (toner) để người dùng mạng xã hội tránh bẫy quảng cáo bằng video cắt ghép. Theo đó, các video này được tổng hợp từ rất nhiều video giới thiệu sản phẩm trước đây của người nổi tiếng trên mạng, dùng phần mềm công nghệ xóa hình ảnh sản phẩm cũ và ghép sản phẩm mới vào. Với sự trợ giúp từ AI (trí tuệ nhân tạo), các video này hiển thị với độ trình chiếu khá mượt, được chỉnh sửa khớp âm thanh với khẩu hình miệng người nổi tiếng, khiến người xem nếu không chú ý kỹ sẽ khó nhận ra.
Nhận đơn hàng sữa rửa mặt, Phan Thu T. (25 tuổi, nhân viên văn phòng, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) ngỡ ngàng: “Xem video giới thiệu sản phẩm thấy KOL (Key Opinion Leader - người có mức độ ảnh hưởng cao trong một lĩnh vực cụ thể) đã sử dụng và thấy khá phù hợp với da của mình nên tôi đặt luôn chai lớn về để dùng lâu dài. Tuy nhiên, mới dùng 2 ngày thì da mẩn ngứa, tra thông tin trên mạng mới biết đây là sản phẩm “lạ”, có rất ít thông tin. Cùng lúc, KOL kia cũng liên tục đăng thông tin cảnh báo việc họ chưa từng quảng cáo sản phẩm này. Tôi đành phải vứt bỏ sản phẩm đã mua, chấp nhận mất tiền oan”.
Lý giải về cách các đối tượng thực hiện những video quảng cáo dạng này, anh Hồ Hoàng Hải (30 tuổi, kỹ sư phần mềm, ngụ quận 7, TPHCM) phân tích: “Ví dụ để thực hiện một video quảng cáo sản phẩm sữa rửa mặt, họ sẽ dùng AI để kết hợp hình ảnh video quảng cáo sữa rửa mặt của nhiều thương hiệu nổi tiếng khác (vốn được đầu tư rất lớn để thực hiện). Rồi tiếp tục gắn với hình ảnh KOL, nghệ sĩ, người nổi tiếng, cân chỉnh sao cho thật khớp rồi tung lên mạng. Người xem sau đó sẽ thấy một sản phẩm toàn ưu điểm vượt trội, bên dưới đang chạy mã khuyến mãi giảm sâu nên nhanh chóng chốt đơn mua”.
Sự phát triển của công nghệ ngày càng nhanh và mạnh, để không mất tiền oan, người trẻ cần cẩn trọng với những video quảng cáo sản phẩm kèm mã khuyến mãi “khủng”… Bởi bài toán kinh doanh là lợi nhuận, hàng giảm giá “khủng” nhưng lại có sẵn cả trăm video để chạy quảng cáo liên tục, rõ ràng là một điều bất hợp lý.