Mang thương tật vì đuối sức
Là nạn nhân của TNLĐ, chị N.T.T. (32 tuổi, ngụ tại Tân Phú, TPHCM) đang được điều trị tại Bệnh viện (BV) Thống Nhất, bàng hoàng kể lại: Hôm đó là cuối tuần nhưng phải làm nhanh đơn hàng để cho khách kịp lấy hàng chuyển ra Bắc phục vụ Tết Tân Sửu. Phần vì ngủ chưa đủ giấc, phần vì tê chân do ngồi quá lâu nên tôi duỗi thẳng chân ra cho đỡ mỏi. Lúc đó chân mỏi và tê quá, tôi quên là máy thụt hộp cứng gần ngay phía trước. Vừa duỗi chân ra là máy nó dập, làm đứt gần lìa ngón chân cái. May mắn được người nhà kịp thời sơ cứu và đưa đến BV nên chị T. đã giữ được ngón chân của mình. Chị T. chia sẻ, đây là xưởng sản xuất của gia đình và vào thời điểm bị tai nạn, chị T. đã không mang giày bảo hộ lao động.
Cũng là nạn nhân của TNLĐ nhưng anh T.V.C. (37 tuổi, ngụ tại quận 12) lại kém may mắn hơn chị T. Là kỹ sư công trình đang giám sát thi công tại một nhà máy bia ở TPHCM, anh C. đang đi vội để kịp giờ về công ty họp thì bị trượt ngã vì sàn trơn do mới lát gạch. Anh C. bị đau chân dữ dội nên được đồng nghiệp đưa đến BV khám. “Sau khi tới BV thì được bác sĩ chẩn đoán bị đứt dây chằng chéo đầu gối. Giờ phải nằm lại BV để bác sĩ theo dõi, chân bị nẹp cố định, đi lại rất khó khăn vì phải dùng nạng. May mắn là có đội nón bảo hộ. Cố gắng làm cho hết việc để ăn tết mà chân cẳng như vầy thì coi như thua”, anh C. ngậm ngùi.
Đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp NLĐ bị TNLĐ khi phải làm việc với cường độ cao để kịp hoàn thành công việc. Nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra khiến nạn nhân phải gánh chịu thương tật, thậm chí trả giá bằng cả tính mạng của mình. TNLĐ không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe của nạn nhân mà còn là gánh nặng cho gia đình, người thân và xã hội.
An toàn là trên hết
Theo BS Võ Hòa Khánh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM, nguyên nhân dẫn đến TNLĐ thường do NLĐ bất cẩn khi thao tác máy móc, mệt mỏi do tăng ca, ngủ gật và vừa làm việc vừa giỡn. Mặt khác, máy móc cũ kỹ, không được bảo trì đúng quy định cũng có thể là nguyên nhân gây ra TNLĐ. Đặc biệt, nhiều vụ TNLĐ thương tâm đã xảy ra do NLĐ không mang bảo hộ lao động (không đeo bao tay, giày bảo hộ, kính bảo hộ) và không được huấn luyện kỹ khi vận hành máy móc, thiết bị…
“Các loại máy móc dễ gây tai nạn cho NLĐ như máy ép (máy ép đế giày, máy ép giấy, máy ép nước mía), máy cuốn (máy xay thịt), máy cưa gỗ, cưa sắt… Chúng tôi từng chứng kiến rất nhiều trường hợp NLĐ bị giập nát bàn tay, ngón tay - đây là tổn thương rất nặng nề do máy dập, máy ép khi làm việc với cường độ cao, nhiệt độ cao làm giập nát một diện rộng và tổn thương nặng nề các cấu trúc quan trọng của bàn tay, ngón tay (mạch máu, thần kinh, gân, xương…). Hậu quả, dẫn đến hoại tử bàn tay, cổ tay và phải làm mỏm cụt. Đặc biệt là tổn thương đứt lìa hoặc đứt gần lìa bàn tay, cổ tay, ngón tay do máy cưa gỗ, cưa sắt, máy cắt cỏ… nguy cơ tàn tật rất lớn”, BS Võ Hòa Khánh chia sẻ.
TS-BS Võ Thành Toàn, Trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, BV Thống Nhất, cũng khuyến cáo, dịp cận tết do áp lực công việc lớn, tăng ca nhiều, vì vậy NLĐ cần phải luôn tỉnh táo. Mỗi người phải tự bảo vệ sức khỏe bằng cách ăn uống đủ dưỡng chất và phải để cơ thể được nghỉ ngơi sau thời gian làm việc mệt nhọc. Quan trọng hơn, NLĐ cần tuyệt đối tuân thủ các quy định an toàn lao động như mang bao tay, nón và giày bảo hộ, kính đeo mắt… Trước và trong khi vận hành cần kiểm tra máy móc kỹ lưỡng, không được lơ là. “Khi chứng kiến người bị TNLĐ, người xung quanh cần bình tĩnh, sơ cứu đúng cách. Cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để hạn chế tối đa tổn thương và tránh trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra”, BS Võ Thành Toàn lưu ý.
Theo thống kê của Sở LĐTB-XH TPHCM, tổng số vụ TNLĐ dẫn đến chết người trong năm 2020 tại TPHCM là 85 vụ, làm 89 người tử vong, 3 người bị thương nặng. Riêng tại BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM, năm 2020, BV tiếp nhận hơn 4.300 trường hợp nhập viện vì TNLĐ. Đặc biệt, trong những tháng cận tết có đến hơn 1.000 trường hợp nhập viện vì TNLĐ.