Mang thương tật vì bất cẩn
Bệnh viện (BV) Thống Nhất vừa tiếp nhận và điều trị cho 3 bệnh nhân bị bỏng trong cùng một gia đình. Cả 3 người nhập viện trong tình trạng da vùng mặt cùng 2 cẳng tay sưng tấy đỏ, phồng rộp, chẩn đoán bỏng độ II và III. Anh Đ.L.N. (24 tuổi, ngụ quận Tân Bình) cho biết, do xem trên mạng thấy người ta nấu món mì có lửa bốc lên phừng phừng, thấy lạ và hấp dẫn nên tò mò nấu thử. Bữa đó không may để dầu quá nhiều và cũng không có kinh nghiệm nên cả 3 anh chị em bị lửa táp lên người. Hiện tại, 3 bệnh nhân đã được xuất viện điều trị ngoại trú, vết thương do bỏng cũng đang hồi phục tốt.
Cũng do sơ suất trong lúc học nấu ăn, nhưng chị Đ.T.M. (38 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp) lại may mắn bị bỏng nhẹ hơn. Các bác sĩ tại Khoa Chấn thương chỉnh hình, BV Thống Nhất, xác định, chị M. bị bỏng độ II, III tay trái, đùi trái, bàn tay phải với diện tích 10%. Theo lời kể, chị M. nấu nước sôi để làm chín mì, nước sôi được đổ ra một cái thau lớn nhưng không may thau nước sôi đổ vào người gây bỏng.
Theo thống kê của BV Thống Nhất, trong vòng một tháng nay, đã có gần 30 ca bỏng nhập viện, điều trị tại Khoa Chấn thương chỉnh hình của BV. Còn tại BV Chợ Rẫy, trung bình mỗi tháng có hơn 100 ca bỏng nhập viện. BV Trưng Vương cũng tiếp nhận nhiều ca bỏng do tai nạn sinh hoạt và tai nạn lao động. Bác sĩ Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng Khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ, BV Trưng Vương, cho biết, hiện BV đang tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân nhập viện do bỏng pô xe, bỏng do hóa chất. Đặc biệt, còn có trường hợp bệnh nhân bị bỏng do sơ ý để chất tẩy rửa bồn cầu văng vào người.
Thực hiện sơ cứu đúng cách
Theo TS-BS Võ Thành Toàn, Trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, BV Thống Nhất, có rất nhiều nguyên nhân gây bỏng, nhưng nguyên nhân dễ gặp nhất là bỏng do sức nóng như nước sôi, dầu mỡ… Trong vòng 1 tháng qua, khoa đã tiếp nhận hơn 30 ca nhập viện điều trị vì loại bỏng này. “Để tránh bị bỏng, cần hết sức cẩn thận trong lúc nấu ăn, sinh hoạt hàng ngày. Những món ăn cần được chế biến cầu kỳ và có lửa gây nguy cơ bỏng cao thì nên hạn chế nấu. Thậm chí, nếu không nắm rõ cách thức chế biến thì không nên nấu. Ngoài ra, việc bỏng do điện, hóa chất, pô xe cũng rất phổ biến nên phải hết sức cẩn thận”, bác sĩ Võ Thành Toàn lưu ý.
Cũng theo bác sĩ Võ Thành Toàn, những hậu quả do cách chữa bỏng dân gian như bôi mỡ trăn, nước mắm, kem đánh răng… lên vết bỏng đã khiến không ít bệnh nhân phải nhập viện trong tình trạng biến chứng nặng do nhiễm trùng, làm chi phí điều trị cao hơn. Ngoài ra, bệnh nhân cũng không nên chườm đá lạnh lên vết thương bỏng. Việc chườm đá quá lạnh lên vết bỏng sẽ làm cho tế bào bị đông cứng, gây tổn thương vùng cơ thể bị bỏng. Tốt nhất sau khi bị bỏng, nạn nhân cần làm lạnh vùng bỏng bằng nước sạch ở nhiệt độ từ 100 - 250 C liên tục trong 10-15 phút; dùng khăn sạch che phủ, sau đó đưa ngay người bị bỏng đến cơ sở y tế. “Nhiều trường hợp do chủ quan với vết bỏng nhỏ đã tự ý sơ cứu và không tiêm phòng uốn ván nên bị mắc uốn ván. Nếu không may để vết thương bỏng nhiễm trùng gây uốn ván thì rất nguy hiểm cho bệnh nhân, điều trị hết sức tốn kém và mất nhiều thời gian. Do vậy, khi bị bỏng, chúng ta phải xử lý vết thương kỹ càng, đúng cách và đến cơ sở y tế có chuyên môn điều trị”, bác sĩ Võ Thành Toàn khuyến cáo.
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 100 bệnh nhân bỏng có 3-5 người tử vong và có hơn 30 người bị di chứng về sau. Bỏng xảy ra ở nam giới và phụ nữ gần như ngang nhau. Khoảng 90% các ca bỏng xảy ra ở các nước đang phát triển, chủ yếu do mật độ dân số quá đông và người dân thường xuyên nấu ăn thiếu an toàn. Số vụ bỏng gây chết người đã tăng từ 280.000 năm 1990 lên 338.000 vào năm 2010. |