Rước họa vào thân
Dù là được bày bán trong shop, cửa hiệu sang trọng, bình dân, hay tại lề đường, hè phố, quần áo hàng thùng luôn tấp nập khách ra vào chọn lựa mua hàng. Thay vì phải bỏ ra gần triệu bạc mới có thể sở hữu những chiếc áo khoác, áo choàng hàng hiệu, nhiều người chỉ cần chi 100.000 - 200.000 đồng là có thể sở hữu những trang phục ưng ý.
Theo như lời giới thiệu của chủ một cửa hàng trên đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức, TPHCM), quần áo được họ nhập về từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản và cả các nước châu Âu. “Vì vậy tuy có cũ một chút nhưng chất vải vẫn tốt gấp mấy lần hàng Việt, đó còn chưa nói tới kiểu cách mẫu mã cũng rất thời trang, đẹp mắt”, một chủ hàng nhấn mạnh. Với lý do giá rẻ, hàng độc, dễ mua nên nhiều khách hàng bỏ qua những lời cảnh báo về các bệnh lây nhiễm có thể gặp phải, vẫn vô tư mua về mặc.
Sau một thời gian sử dụng quần áo hàng thùng, chị Lan Anh (quận 9) mới tá hỏa khi phát hiện mình bị viêm da. Ban đầu là những nốt mẩn đỏ ngứa ngáy ở lưng rồi dần dần lan ra khắp người. Tưởng bị dị ứng thời tiết nên chị Lan Anh mua thuốc về uống, đến khi phát hiện những bọng nước nhỏ li ti nổi lên, chị mới đi khám da liễu. Sau khi nghe chị kể về việc mua và sử dụng quần áo hàng thùng, bác sĩ kết luận, nguyên nhân là do nhiễm nấm từ những chiếc áo “hàng độc” mà chị đã mất công săn lùng ở một số shop thời trang đồ cũ về.
“Thảm họa” hơn chị Lan Anh, chị Trần Nguyên Hà (nhà ở đường Thống Nhất, quận Thủ Đức) mất đến gần 3 tháng trời để điều trị nhiễm nấm âm đạo. Cũng chỉ vì mê hàng độc giá rẻ, chị đã dùng những chiếc váy may liền với quần lót, độn ngực rất đẹp được mua tại “phố đồ thùng” (đường Đồng Đen, quận Tân Bình). Mặc dù đã cẩn thận giặt 2 lần ở nhà rồi lại mang ra cửa hiệu hấp sấy nhưng sau vài lần mặc, chị thấy ngứa vùng kín và ra khí hư nhiều. “Không ngờ chính mình tự rước họa vào thân”, chị Hà ngậm ngùi chia sẻ.
Lợi bất cập hại
Bác sĩ Lê Thị Hồng, Bệnh viện Da liễu TPHCM, cho biết chỉ riêng việc quần áo bị nhồi nhét trong các thùng giấy hoặc kiện gỗ, quá trình vận chuyển và bảo quản không đảm bảo, đã có thể gây ẩm mốc, tạo điều kiện cho vi sinh vật gây bệnh ngoài da phát triển. Bên cạnh đó, đa phần quần áo hàng thùng sau khi thu mua sẽ được chủ hàng xử lý qua các công đoạn như tẩy, nhuộm, hấp lại cho mới, làm cứng vải, nhằm biến đồ cũ thành đồ mới 90%. Đây cũng là một trong các nguyên nhân gây kích ứng da với một số người khi sử dụng, nhất là những người có làn da nhạy cảm.
Đặc biệt, sẽ nguy hiểm hơn nếu không may người tiêu dùng mua phải quần áo mà người sử dụng trước mắc các bệnh như lang ben, ghẻ, mụn cơm… Nếu vậy, người mặc lại có nguy cơ lây bệnh rất cao, bởi dù có giặt, tẩy thì các mầm bệnh vẫn có thể chưa được triệt tiêu hết hẳn.
Cũng theo bác sĩ Hồng, hiện nay rất khó có thể thống kê số bệnh nhân mắc bệnh do sử dụng quần áo hàng thùng, nhưng chắc chắn đã có nhiều bệnh nhân phải điều trị tại Bệnh viện Da liễu do sử dụng loại hàng hóa này. Vì vậy, bác sĩ Hồng khuyến cáo, mọi người không nên sử dụng những sản phẩm có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong trường hợp điều kiện không cho phép, người sử dụng quần áo hàng thùng nên cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn.
Không nên chọn đồ quá cũ, đồ lót tiếp xúc trực tiếp với da và tuyệt đối không nên thử sản phẩm ngay tại cửa hàng khi vừa lấy từ thùng ra. Để đảm bảo an toàn, trước khi sử dụng, người dùng nên giặt đồ bằng bột giặt có chất tẩy vài lần, phơi nắng thật khô và ủi kỹ mặt trái của quần áo, thậm chí có thể nhúng qua nước đun sôi vài lần để loại bỏ các mầm bệnh, thuốc nhuộm… còn lưu trên quần áo.