Cẩn trọng với nợ xấu gia tăng

Nợ xấu của hệ thống ngân hàng cuối năm ngoái giữ ở mức an toàn. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn của thị trường bất động sản, trái phiếu và tăng trưởng kinh tế chậm lại, nguy cơ nợ xấu năm 2023 tăng là hiện hữu.
Giao dịch tại một ngân hàng. Ảnh: MINH HUY
Giao dịch tại một ngân hàng. Ảnh: MINH HUY

Nợ xấu phân hóa mạnh

Nợ xấu nội bảng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố vào cuối năm 2022 ở mức 1,92% - so với quy định ở mức dưới 3%. Đây là tỷ lệ nợ xấu nằm trong ngưỡng an toàn. Mặc dù vậy, theo số liệu thống kê từ các đơn vị chuyên cung cấp dữ liệu tài chính, trong quý 4-2022, nợ xấu mới tăng thêm hơn 56.000 tỷ đồng, con số này tăng đột biến và lớn hơn nhiều số nợ xấu hình thành trong quý 3-2021, thời điểm nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa do dịch Covid-19. Sự gia tăng tỷ lệ nợ xấu chủ yếu đến các khoản nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) đã tăng hơn 30.000 tỷ đồng, tăng 70% so với cuối năm 2021.

Từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng thương mại (NHTM) niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2022 đạt 246.000 tỷ đồng, tăng 33,5% so với năm 2021. Tuy nhiên, chất lượng tài sản của các NHTM có sự phân hóa mạnh. Tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng ở đa số ngân hàng. Hai NHTM có nợ xấu tăng mạnh là VPBank, vào cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 4,57% lên 5,73%; Ngoài ra, các ngân hàng khác mặc dù nằm trong ngưỡng an toàn nhưng nợ xấu cũng đang tăng: Saigonbank tăng từ 1,97% lên 2,12%, LienVietPostBank tăng từ 1,37% lên 1,46%. Đặc biệt, các NHTM có vốn nhà nước như BIDV cũng có nợ xấu tăng từ 1% lên 1,16%; Vietcombank tăng từ 0,64% lên 0,68%. Đối với trường hợp Sacombank, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã từ 1,47% xuống 0,98% nhưng vẫn còn hàng chục ngàn tỷ đồng nợ xấu ở ngoại bảng, dưới dạng trái phiếu đặc biệt của VAMC…

Trước thực tế này, NHNN đã nhận định, trong năm 2022, dù cơ bản kiểm soát nhưng nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tức là nợ xấu của nền kinh tế, đang có xu hướng tăng lên. Công tác kiểm soát nợ xấu gặp khó khăn bởi dịch bệnh kéo dài, tác động có độ trễ nên sẽ ảnh hưởng lớn hơn đến hoạt động ngân hàng trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, những khó khăn của nền kinh tế cũng như của doanh nghiệp, người dân có thể sẽ bộc lộ rõ nét hơn trong thời gian tới.

Tăng “bộ đệm” phòng thủ

Theo công ty chuyên cung cấp dữ liệu và phân tích tài chính FiinGroup, chất lượng tín dụng đang đi xuống ở nhiều ngành, nợ xấu dần lộ diện kể từ khi Thông tư 14/2021 của NHNN quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với các khách hàng gặp khó khăn vì dịch Covid-19 kết thúc từ tháng 6-2022. Trong khi đó, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều “cơn gió ngược” từ cả bên trong lẫn bên ngoài, nên dự báo nợ xấu của nền kinh tế năm 2023 sẽ gia tăng. Trong đó, rủi ro nợ xấu đặc biệt hiện hữu và tăng lên, xuất phát từ những khó khăn của thị trường bất động sản - lĩnh vực chiếm 21% dư nợ tín dụng của toàn hệ thống, cũng như chưa tính đến khoảng 4% dư nợ trái phiếu nằm ngoài hệ thống tín dụng. Hiện nợ xấu liên quan đến bất động sản chiếm xấp xỉ 20% tổng quy mô nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Sự suy yếu của thị trường này sẽ gây ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng, hình thành nợ xấu.

Nhằm ứng phó với kịch bản nợ xấu gia tăng, nhiều NHTM đẩy mạnh việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng để tăng “bộ đệm” phòng thủ nợ xấu tiềm ẩn. Trong đó, một số NHTM đẩy mạnh “bộ đệm” lên rất cao như Vietcombank, vào cuối năm 2022 có tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên đến 317%; MB gần 300%, ACB là 155%, TPBank là 135%, Techcombank là 125%. Mặc dù vậy, không phải ngân hàng nào cũng có tỷ lệ dự phòng rủi ro tương xứng với tốc độ tăng trưởng nợ xấu. Thống kê cho thấy, 10/27 ngân hàng có tỷ lệ dự phòng bao phủ rủi ro dưới 50%, thậm chí một số ngân hàng chưa trích lập đầy đủ nợ cơ cấu mà chọn trích lập rải ra theo cơ chế cho phép.

Các chuyên gia tài chính - ngân hàng đánh giá, các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao sẽ có khả năng chống chọi tốt hơn trong điều kiện thị trường bất lợi (như nợ xấu tăng từ tín dụng bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp). Trong khi đó, ở các ngân hàng tiềm lực tài chính khiêm tốn, “bộ đệm” dự trữ mỏng nên khả năng xử lý nợ xấu sẽ bị hạn chế. Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect, đánh giá, mặc dù với mức lợi nhuận của ngành ngân hàng hiện nay đủ để tăng cường “bộ đệm” xử lý nợ xấu nhưng lại có sự phân hóa khá rõ nét giữa các nhóm ngân hàng. Bên cạnh những ngân hàng ghi nhận chất lượng tài sản vượt trội khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao lên, thì cũng có một số trường hợp rơi vào tình trạng đáng báo động khi tỷ lệ nợ xấu tăng vọt. Đây là điều các cơ quan chức năng cần lưu tâm và sớm có biện pháp khắc phục, vì ngân hàng có thể sẽ rơi vào diện rủi ro khi tình hình kinh tế vĩ mô trở nên kém tích cực. Để hạn chế nợ xấu phình ra, các ngân hàng cần đánh giá lại các khoản vay để xem xét các ngành nghề và doanh nghiệp đang có vấn đề, cũng như thường xuyên cập nhật tình hình trả nợ khách hàng để có phương án xử lý kịp thời, tránh bị động.

Trước nguy cơ nợ xấu tăng, đòi hỏi có sự vào cuộc trách nhiệm của cả ngân hàng và cơ quan quản lý nhà nước. Theo đó, một số NHTM kiến nghị NHNN làm rõ thêm cơ chế xử lý tài sản bảo đảm đối với các dự án bất động sản; đồng thời, sửa đổi linh hoạt đối với quy định trong điều kiện mua bán nợ của Công ty Quản lý tài sản Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng nhanh chóng tiếp cận kênh này khi xử lý nợ xấu. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng kiến nghị các bộ, ngành đánh giá lại các luật liên quan và những vấn đề chưa được đưa vào Nghị quyết số 42/2017 để làm rõ hơn quyền, trách nhiệm của bên cho vay và bên đi vay, hoặc ban hành một luật riêng về xử lý nợ xấu, mang tính đặc thù, xuyên suốt thì mới có đủ hành lang pháp lý để xử lý nợ xấu.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN ĐÀO MINH TÚ

Nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng

Để ngăn ngừa nguy cơ nợ xấu phát sinh, ngành ngân hàng sẽ tăng cường thanh tra, giám sát an toàn vĩ mô và vi mô; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đối với các tổ chức tín dụng. NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng; tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc khách hàng trả nợ; bán, phát mãi tài sản bảo đảm của khoản nợ; bán nợ theo cơ chế thị trường; sử dụng dự phòng rủi ro; nâng cao năng lực quản trị rủi ro và chất lượng công tác thẩm định tín dụng.

Tin cùng chuyên mục