Cẩn trọng với “làn sóng” ô tô điện

Tháng 6 này, liên doanh Morris Garages-SAIC Motor (MG) đã giới thiệu mẫu xe thuần điện đầu tiên tại thị trường Việt Nam. Theo đó, MG EV tại Việt Nam có mức giá bán lẻ 828-948 triệu đồng cho phiên bản DEL và LUX, cao hơn đối thủ cùng phân khúc là VinFast VF6 (675-765 triệu đồng) hay e34 (710-900 triệu đồng). Audi Việt Nam cũng trình làng mẫu SUV điện cỡ trung Q8 e-tron với giá 3,8 tỷ đồng.

Hồi trung tuần tháng 6, hãng ô tô điện BYD (Trung Quốc) cũng đã hiện diện ở thị trường Việt Nam bằng sự kiện tổ chức lái thử xe tại TPHCM. Người tiêu dùng được lái thử 3 dòng sản phẩm chủ lực của hãng gồm Seal (dòng sedan), Dolphin (dòng hatchback) và Atto 3 (dòng SUV đô thị)… Tuy nhiên, sự trở lại đáng chú ý nhất của ô tô Trung Quốc tại Việt Nam thời gian gần đây phải kể đến sự xuất hiện của Wuling. Wuling thậm chí còn bắt tay với doanh nghiệp trong nước để lắp ráp xe ngay tại Việt Nam. Theo đó, mẫu ô tô điện cỡ nhỏ Wuling HongGuang MiniEV có giá chỉ vài trăm triệu đồng.

Theo ghi nhận, hơn 2 năm qua, thị trường xe điện tăng trưởng khá nhanh với hàng chục thương hiệu phổ thông đến cao cấp, nhưng đa phần là xe nhập khẩu nguyên chiếc. VinFast là hãng xe duy nhất lắp ráp sản xuất và kịp lấp đầy dải sản phẩm, bao gồm: VF5, VF6, VF7, VF8 và VF9; trải dài mọi phân khúc cũng như mức giá.

Theo TS Võ Duy Thành, Trưởng phòng thí nghiệm Nghiên cứu xe điện, Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội, Việt Nam chưa có quy chuẩn kỹ thuật cho pin ô tô điện từ 5 chỗ trở lên. Đó là lý do ô tô điện từ Trung Quốc đang vào Việt Nam khá dễ dàng. Khi chưa có quy chuẩn kỹ thuật, ô tô điện nhập khẩu giá rẻ có 2 nguy cơ lớn nhất là cháy nổ và mất an toàn khi vận hành trên đường.

Nhìn nhận từ các chuyên gia về môi trường, về lâu dài, có nguy cơ rất lớn về ô nhiễm môi trường khi phải xử lý các loại pin ô tô điện chất lượng không cao. Trong lúc ấy, lĩnh vực xe điện tại Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ, và quy định về quản lý pin xe điện chưa được thảo luận nhiều, chưa có nhiều doanh nghiệp chuyên trách về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại theo nhóm chất thải, theo nguồn phát thải… mà đang gom chung cho tất cả các loại chất thải nguy hại. Chính vì vậy, các cơ quan hữu quan cần sớm ban hành các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải nguy hại là pin sau khi sử dụng từ các phương tiện giao thông. Các quy định pháp luật, đặc biệt là quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý nên cụ thể cho từng loại chất thải nguy hại và cần được sơ đồ hóa, truyền thông đến toàn xã hội.

Tin cùng chuyên mục